Suy thận là bệnh lý nguy hiểm, làm khả năng lọc máu, lọc các chất thải, chất độc dần suy giảm. Suy thận mạn là giai đoạn cuối của bệnh thận mạn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, việc điều trị cũng khó khăn và tốn kém nhiều công sức và tài chính.
Suy thận mạn là bệnh gì?
Suy thận mạn là giai đoạn 5 – giai đoạn cuối – của bệnh thận mạn. Đây là giai đoạn nặng nhất với mức lọc cầu thận (GFR) < 15mL/ph/1,73 m2, biểu hiện bằng hội chứng urê máu cao.
Lúc này chức năng thận suy giảm dần dần tương ứng với số lượng nephron của thận bị tổn thương và mất chức năng không hồi phục. Suy thận mạn gây ra mức lọc cầu thận giảm, rối loạn điện giải, tăng huyết áp, thiếu máu mạn tính. Thậm chí, xương khớp của người bệnh còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng như loãng xương, nhuyễn xương, gãy xương,…
Đây là tình trạng chức năng của thận bị suy giảm rõ rệt, gần như không còn khả năng phục hồi, có thể sẽ gây tử vong, nếu không được điều trị thay thế thận.
Quá trình điều trị suy thận mạn diễn ra rất phức tạp và tốn kém. Ở giai đoạn cuối, việc phải lọc máu, ghép thận,… dễ khiến người bệnh mệt mỏi, ảnh hưởng tới tinh thần, kinh tế khiến người bệnh khó kiên trì theo đuổi đến cùng.
Các giai đoạn suy thận mạn?
Hội Thận học quốc tế (ISN = International Society of Nephrology) và Hội Thận học quốc gia Hoa Kỳ (National Kidney Foundation) đã chia bệnh thành 5 giai đoạn dựa trên độ lọc cầu thận (GFR) gồm:
- Giai đoạn 1: GFR bình thường hay cao, GFR > 90 mL/phút
- Giai đoạn 2: GFR khoảng 60 – 89 mL/phút
- Giai đoạn 3: Suy thận độ 3A (GFR khoảng 45 – 59 mL/phút), suy thận độ 3B (GFR khoảng 30 – 44 mL/phút)
- Giai đoạn 4: GFR khoảng 15 – 29 mL/phút
- Giai đoạn 5: GFR < 15 mL/phút
Nguyên nhân gây ra suy thận mạn
3 nhóm nguyên nhân hàng đầu gây bệnh thận mạn trên thế giới là đái tháo đường, tăng huyết áp và bệnh cầu thận.
Các loại bệnh và tình trạng sức khỏe có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Bệnh đái tháo đường loại 1 hoặc loại 2
- Huyết áp cao
- Viêm cầu thận, tình trạng viêm ở các đơn vị lọc của thận
- Viêm kẽ thận, tình trạng viêm các ống thận và các cấu trúc xung quanh
- Bệnh thận đa nang, tình trạng các u nang xuất hiện khiến thận bị phì đại
- Sự tắc nghẽn kéo dài của đường tiết niệu do các bệnh như phì đại tuyến tiền liệt, sỏi thận và một số bệnh ung thư
- Trào ngược, tình trạng sẽ khiến nước tiểu trào ngược vào thận
- Nhiễm trùng thận tái phát, còn được gọi khác là viêm bể thận
- Tình trạng dùng thuốc điều trị kéo dài, không kiểm soát chặt chẽ
Các yếu tố có thể sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính bao gồm:
- Người hút thuốc lá
- Người thừa cân, béo phì
- Người có tiền sử gia đình bị mắc bệnh thận
- Người có cấu trúc thận bất thường
- Một số loại thuốc sử dụng để chữa trị các rối loạn bệnh lý cũng có thể làm tổn thương thận, dẫn đến suy thận mạn.
- Bệnh thận bẩm sinh và di truyền ( thận đa nang, loạn sản thận, hội chức ALport)
- Bệnh tự miễn ( như lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì)
- Nhiễm độc trong thời gian kéo dài
Những triệu chứng của bệnh suy thận mạn
Suy thận mạn tính thường không có triệu chứng rõ ràng.Thực tế triệu chứng sẽ không biểu hiện cho tới khi xuất hiện các tổn thương thận nặng nề.
Các triệu chứng có thể gặp là:
- Thiếu máu: da xanh, niêm mạc nhợt, hoa mắt chóng mặt. Mức độ thiếu máu tương ứng với độ nặng của bệnh. Suy thận càng nặng thì thiếu máu càng nhiều làm bệnh nhân mệt mỏi, ăn kém, giảm các hoạt động thường ngày.
- Tăng huyết áp: là triệu chứng hay gặp nhất. Tăng huyết áp lâu ngày, tăng huyết áp không được kiểm soát có thể dẫn đến suy tim, rối loạn nhịp tim, xơ vữa động mạch,..
- Triệu chứng về tim mạch: viêm màng ngoài tim do ure máu cao
- Triệu chứng thần kinh-cơ: chuột rút, cảm giác dị cảm, kiến bò, bỏng rát ở chân.
- Về hệ xương khớp: loãng xương, viêm xương, đau xương thường gặp trong giai đoạn cuối của bệnh. Xét nghiệm có canxi máu tăng, xquang thấy hình ảnh loãng xương
- Triệu chứng về tiêu hóa: chán ăn, buồn nôn giai đoạn sau có thể ỉa chảy, loét miệng, loét đường tiêu hóa, xuất huyết tiêu hóa
- Hôn mê do urê máu cao: có thể xuất hiện ở giai đoạn cuối của suy thận, bệnh nhân thờ ơ, ngủ gà, có thể có co giật, rối loạn tâm thần rồi đi vào hôn mê.
- Các triệu chứng khác có thể gặp như: phù do viêm cầu thận hay giai đoạn cuối của bệnh
Các triệu chứng của tình trạng này thường không đặc hiệu, nghĩa là cũng có thể do một vài bệnh khác gây ra, nên dễ gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến việc chẩn đoán và điều trị.
Các biến chứng của bệnh suy thận mạn
Bệnh này có thể ảnh hưởng đến hầu hết các bộ phận của cơ thể người bệnh. Các biến chứng nghiêm trọng của bệnh bao gồm:
- Bệnh suy gan, hội chứng gan thận
- Tình trạng tăng năng tuyến cận giáp
- Tổn thương thần kinh gây co giật, rối loạn chức năng não, mất trí nhớ
- Tổn thương hệ tiêu hóa gây chảy máu dạ dày, ruột
- Các vấn đề về tim và mạch máu, thiếu máu, suy tim
- Các vấn đề về xương khớp làm loãng xương, nhuyễn xương dễ gãy xương
- Các tổn thương phổi do tích tụ dịch nhầy, nước gây phù nề, nước trong màng tim, màng phổi, ổ bụng…
Phương pháp điều trị suy thận mạn
Điều trị nguyên nhân
Đây là phương pháp điều trị suy thận then chốt, giúp người bệnh kiểm soát chặt chẽ đường máu, huyết áp bằng thuốc và chế độ tập luyện, ăn uống, giảm cân và thói quen sinh hoạt hằng ngày. Điều trị từ nguyên nhân giúp làm chậm tiến triển bệnh và các tổn thương do suy thận gây ra.
Điều trị huyết áp
Huyết áp tăng không chỉ là nguyên nhân gây bệnh suy thận mạn mà còn là hậu quả do suy thận gây ra. Về mặt y học, huyết áp tăng là do một phần lượng dịch tăng lên trong máu và các mô cơ quan do thận đã mất chức năng thải dịch. Nếu không điều trị kịp thời, tình trạng tăng huyết áp sẽ tiếp tục hủy hoại thận và dẫn đến những bệnh lý tim mạch khác.
Với phương pháp điều trị suy thận mạn này, người bệnh sẽ được bác sĩ kê toa thuốc huyết áp gồm nhiều nhóm, ưu tiên thuốc nhóm ức chế men chuyển hay ức chế thụ thể nếu không có chống chỉ định. Thuốc giúp giảm huyết áp và tăng cường chức năng cho thận.
Kiểm soát cholesterol
Suy thận mạn là hậu quả của một trong các yếu tố nguy cơ gây ra bởi nhiều bệnh lý tim mạch, trong đó có rối loạn lipid máu. Do đó, khi điều trị suy thận mạn, bác sĩ có thể kê toa thuốc Statin để làm giảm nguy cơ này. Thuốc làm giảm những cholesterol xấu, khiến chúng không thể bám vào thành mạch máu để gây nên những vấn đề về xơ vữa, lâu dài gây tắc nghẽn mạch máu.
Điều trị những vấn đề gây nên bởi suy thận
Điều trị dứt điểm bệnh suy thận mạn là điều không thể. Tuy nhiên, một số phương pháp chữa trị sẽ giúp người bệnh giảm thiểu những vấn đề mà bệnh gây ra cho cơ thể như:
- Tình trạng ứ dịch: Thận hoạt động kém sẽ gây ra tình trạng tích tụ dịch trong cơ thể. Tình trạng này khiến người bệnh sưng phù, huyết áp tăng cao. Bác sĩ sẽ kê thuốc lợi tiểu nhằm giúp người bệnh đào thải bớt nước dư thừa trong cơ thể qua đường tiểu.
- Tình trạng thiếu máu: Khi mắc bệnh suy thận mạn, thận sẽ không sản xuất đủ chất erythropoietin (EPO) và người bệnh có số lượng tế bào hồng cầu ít hơn bình thường. Tình trạng này sẽ khiến người bệnh cảm thấy khó thở, mệt mỏi, giảm khả năng làm việc và quan hệ tình dục. Bác sĩ điều trị có thể tiêm một chất có hoạt động giống EPO (chất kích thích sinh EPO), người bệnh có thể uống thêm thuốc sắt hay tiêm thêm sắt.
- Tình trạng yếu xương: Khi bị suy thận mạn, việc cung cấp các vitamin D, photpho, canxi sẽ bị ảnh hưởng, gây ra những vấn đề về xương. Nồng độ canxi trong máu quá thấp sẽ kích thích sản xuất hormone tuyến cận giáp, gây ra tình trạng mất canxi từ xương. Theo thời gian, xương dần biến dạng, các khớp sưng nề. Khi điều trị, người bệnh sẽ được kê một số thuốc gắn photpho để làm giảm số lượng photpho trong máu.
- Tình trạng dư thừa axit: Thận không thể loại bỏ hoàn toàn axit ra khỏi cơ thể, làm cơ thể rơi vào tình trạng toan chuyển hóa, tình trạng máu dư thừa axit dẫn đến một số vấn đề như loạn nhịp tim, hôn mê, co giật. Người bệnh sẽ được điều trị bằng các loại thuốc kháng axit.
- Dư thừa kali: Khi thận hoạt động kém, kali sẽ tăng lên trong máu, có thể dẫn đến tình trạng rối loạn nhịp tim, ngưng tim và những vấn đề khác liên quan đến thần kinh cơ. Người bệnh sẽ được bác sĩ kê các loại thuốc lợi tiểu và một số loại thuốc khác để cơ thể không bị quá tải dịch và kali.
- Xác định chế độ ăn uống, hoạt động của người bệnh phù hợp với giai đoạn bệnh suy thận mạn.
Điều trị thay thế thận
Khi điều trị suy thận mạn không đáp ứng, thận dần bị suy yếu. Người bệnh sẽ bước vào giai đoạn cuối suy thận mạn. Chức năng thận chỉ còn lại 15%, không còn khả năng lọc bỏ những chất độc, dịch dư thừa khỏi cơ thể. Phương pháp điều trị khi đó sẽ là tiến hành lọc máu và cấy ghép thận.
Chạy thận nhân tạo
Lọc máu là phương pháp thay thế một số chức năng của thận khi thận không còn hoạt động hiệu quả. Máu của người bệnh theo ống dẫn qua một hệ thống máy được đặt bên ngoài cơ thể để loại bỏ độc tố, chất thải. Sau đó, phần máu đã lọc sạch được trả về cơ thể người bệnh. Việc chạy thận nhân tạo thường được thực hiện 3 lần/ tuần, mỗi lần mất khoảng 4 giờ.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phương pháp chạy thận nếu được thực hiện đúng cách sẽ cải thiện sức khỏe tổng thể và giúp người bệnh sống lâu hơn. Hàng tháng, người được lọc máu sẽ được theo dõi quá trình điều trị bằng các xét nghiệm để xem xét tính hiệu quả của phương pháp này.
Lọc màng bụng
Với phương pháp lọc màng bụng, lớp màng bên trong bụng (phúc mạc) của người bệnh hoạt động như một bộ lọc tự nhiên để đào thải chất thải và độc tố ra ngoài. Dịch lọc sẽ theo một ống nhựa mềm (catheter) chảy vào bụng của người bệnh. Sau khi quá trình lọc kết thúc, chất lỏng sẽ được xả ra khỏi cơ thể.
Hiện có các cách lọc màng bụng là Lọc màng liên tục ngoại trú (CAPD) và Lọc màng bụng chu kỳ tự động (APD). Mục đích điều trị cơ bản là giống nhau, nhưng số lần điều trị và cách thức thực hiện của hai phương pháp này khác nhau. APD khác với CAPD ở chỗ có sự hỗ trợ của máy tuần hoàn và việc điều trị thường được thực hiện vào ban đêm, khi người bệnh ngủ. Lọc màng bụng bằng máy cũng mang lại hiệu quả chất lượng điều trị hơn cho người bệnh.
Ghép thận
Cấy ghép thận là biện pháp phẫu thuật dùng để thay thế thận đã bị mất chức năng bằng một quả thận khỏe mạnh để duy trì sự sống cho người bệnh. Nguồn thận sẽ được lấy từ người hiến tặng còn sống hoặc người đã chết não, chết tim (tim ngừng đập). Quá trình ghép thận cần có thời gian, vì việc tìm người hiến tặng tương đối phức tạp.
Sau phẫu thuật ghép thận, người bệnh sẽ cần được theo dõi trong bệnh viện từ vài ngày đến vài tuần. Khi sức khỏe ổn định, người bệnh được xuất viện nhưng cần phải kiểm tra sức khỏe thường xuyên để đảm bảo quá trình hồi phục vẫn đang tiếp tục. Đồng thời, người bệnh sẽ được dùng thuốc để chống thải ghép và giảm nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật, chẳng hạn như nhiễm trùng. Sau khi ghép thành công, thận mới sẽ hoạt động và người bệnh không cần phải lọc máu nữa.
- Xem chi tiết sản phẩm tại đây –> Thasucavn
Phòng ngừa mắc bệnh
Bệnh thận mạn thường tiến triển âm thầm, không có triệu chứng cụ thể cho đến giai đoạn cuối. Do đó, mục tiêu quan trọng là phát hiện bệnh sớm ở 3 đối tượng nguy cơ cao: người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và có tiền sử gia đình có người bệnh thận. Các đối tượng này cần được làm xét nghiệm tầm soát định kỳ hàng năm và tích cực điều trị sớm để tránh tình trạng bệnh tiến triển tới suy thận mạn giai đoạn cuối.
Bên cạnh đó, để ngăn ngừa bệnh thận mạn, dẫn tới suy thận, mỗi người cần chú ý:
- Làm theo hướng dẫn về uống thuốc không kê đơn. Khi sử dụng thuốc giảm đau như aspirin, ibuprofen, acetaminophen… nên thực hiện theo hướng dẫn trên bao bì. Uống quá nhiều thuốc giảm đau trong thời gian dài có thể dẫn đến tổn thương thận.
- Duy trì cân nặng hợp lý. Nếu bạn đang ở mức cân nặng hợp lý, hãy tiếp tục duy trì bằng các hoạt động thể chất phù hợp. Nếu cân nặng vượt chuẩn, bạn nên trao đổi với bác sĩ về cách giảm cân lành mạnh.
- Không hút thuốc. Bởi chất độc từ thuốc lá có thể làm hỏng thận và khiến cho tình trạng tổn thương thận hiện tại trở nên tồi tệ hơn.
- Quản lý các yếu tố nguy cơ như tiểu đường, cao huyết áp…
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh bằng cách hạn chế các loại thực phẩm giàu muối, đường, dầu mỡ… Tăng cường bổ sung rau, trái cây vào thực đơn hàng ngày. Uống nước đầy đủ (khoảng 2 lít/ngày).
Suy thận mạn là một trong những bệnh lý nghiêm trọng, có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người bệnh. Vì thế, việc phát hiện và điều trị sớm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả điều trị, tiết kiệm chi phí và hạn chế tối đa biến chứng, đặc biệt là tránh nguy cơ tử vong.
Add comment