Chạy thận nhân tạo là phương pháp điều trị bệnh suy thận cấp hoặc suy thận giai đoạn cuối, giúp thận đào thải các chất độc, nước và muối ra khỏi cơ thể khi chức năng của thận bị suy giảm và không thể thực hiện được nhiệm vụ này.
Chạy thận nhân tạo là gì?
Chạy thận nhân tạo là phương pháp lọc máu ngoài cơ thể. Một vòng tuần hoàn ngoài cơ thể sẽ được thiết lập, máu của người bệnh sẽ được dẫn ra bộ lọc của máy chạy thận để lọc sạch các chất cặn của quá trình chuyển hóa và nước thừa, sau đó máu sẽ được trả về cơ thể. Phương pháp này nhằm điều trị bệnh suy thận giai đoạn cuối hoặc suy thận cấp (thường do ngộ độc) diễn tiến nhanh hoặc bị dư nước, tăng kali máu, toan máu nhưng không đáp ứng với thuốc điều trị.
Khi chạy thận, điều dưỡng sẽ tiến hành chích 2 cây kim vào cánh tay có cầu nối mạch máu của người bệnh hoặc catheter. Mỗi cây kim sẽ được gắn vào một ống mềm kết nối với máy lọc máu. Máy lọc máu sẽ bơm máu qua bộ lọc rồi đưa máu trở lại cơ thể của người bệnh. Trong quá trình này, máy lọc máu sẽ kiểm tra huyết áp và kiểm soát tốc độ bơm máu chảy qua màng lọc cùng lượng chất lỏng được loại bỏ khỏi cơ thể.
Chạy thận nhân tạo dựa trên các cơ chế sau:
- Cơ chế siêu lọc: Do áp lực của bơm máu cao hơn áp lực bơm dịch nên áp lực thủy tĩnh của khoang máu sẽ cao hơn áp lực ở khoang dịch, nước từ khoang máu sẽ di chuyển sang khoang dịch và kéo theo các chất hòa tan.
- Cơ chế khuếch tán riêng phần: Các chất hòa tan như urê, creatinin và các chất có trọng lượng phân tử nhỏ khác có nồng độ cao trong máu sẽ khuếch tán từ máu sang khoang dịch lọc do sự chênh lệch nồng độ.
- Cơ chế dòng đối lưu: Sau một thời gian khi chất tan ở khoang máu và khoang dịch lọc cân bằng nhau, quá trình khuếch tán sẽ giảm hiệu lực.
Khi nào cần chạy thận nhân tạo?
Bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn 5 (hay còn gọi là giai đoạn cuối) sẽ được chỉ định chạy thận. Vào giai đoạn này, mức lọc cầu thận của bệnh nhân đã giảm xuống mức rất thấp <15 ml/ph/1.73 m2 thận hầu như đã mất hoàn toàn chức năng, các chất độc của quá trình chuyển hóa tích tụ trong cơ thể, bệnh nhân phải được điều trị thay thế thận để duy trì cuộc sống. Ở bệnh nhân đái tháo đường, chạy thận nhân tạo được chỉ định sớm hơn.
Chạy thận nhân tạo còn được sử dụng trong điều trị suy thận cấp và lọc máu khi ngộ độc, quá liều thuốc.
Quy trình chạy thận nhân tạo
Trước khi thực hiện lần chạy thận đầu tiên từ vài tuần đến vài tháng, bệnh nhân cần được thực hiện phẫu thuật nối thông động tĩnh mạch (hay còn được gọi là phẫu thuật FAV) để tạo một đường nối giữa động mạch và tĩnh mạch trên tay.
Do trong quá trình lọc máu, dòng máu đi qua hệ thống lọc phải đảm bảo lưu lượng không nhỏ hơn 300ml/phút, áp lực cần thiết để hút máu từ cầu nối phải đạt khoảng -100 mmHg, áp lực trả máu về vòng tuần hoàn cũng phải ở mức +100 mmHg. FAV giúp tăng lưu lượng máu để đáp ứng được yêu cầu của nguyên lý chạy thận nhân tạo.
Trong quá trình chạy thận, bạn sẽ ngồi hoặc nằm ngửa trên ghế. Một kỹ thuật viên sẽ đặt hai cây kim trong cánh tay của bạn nơi đặt lỗ rò hoặc mảnh ghép. Một máy bơm trong máy chạy thận nhân tạo sẽ từ từ rút máu của bạn, sau đó gửi nó qua một máy khác gọi là máy lọc máu. Điều này hoạt động như một quả thận và lọc thêm muối, chất thải và chất lỏng. Máu của bạn đã làm sạch sẽ được đưa trở lại vào cơ thể bạn thông qua kim thứ hai trong cánh tay của bạn. Hoặc, nếu có ống thông, máu chảy ra từ một cổng và sau đó được đưa trở lại qua cổng thứ hai.
Bạn có thể chạy thận trong bệnh viện, trung tâm điều trị lọc máu hoặc tại nhà. Nếu bạn thực hiện lọc máu một trung tâm, mỗi một lần chạy thận nhân tạo sẽ kéo dài từ 3 đến 5 giờ và bạn sẽ chỉ cần thực hiện ba lần/ một tuần. Nếu bạn chạy thận nhân tạo tại nhà, bạn sẽ cần điều trị 6 hoặc 7 ngày trong 1 tuần và mỗi lần thực hiện kéo dài từ 2-3 giờ .
Một số người có thể đọc báo hoặc xem TV trong khi điều trị. Nếu bạn lựa chọn thực hiện chạy thận nhân tạo tại nhà, bạn có thể làm vào ban đêm trong khi bạn ngủ.
Ưu điểm khi chạy thận nhân tạo
Đối với bệnh nhân suy thận, chạy thận sẽ mang lại những lợi ích như sau:
- Thay thế cho chức năng thận đang bị suy giảm, từ đó giúp loại bỏ các độc tố và cặn bã ra khỏi máu; phòng ngừa được các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
- Chạy thận sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống đối với những trường hợp bị suy thận nặng thông qua việc loại bỏ những triệu chứng của bệnh như: thường xuyên mệt mỏi, ngứa ngáy, đau ngực,…
- Kiểm soát được tình hình sức khỏe của bệnh nhân khi nồng độ ion và nước ở trong cơ thể được cân bằng. Thêm vào đó, huyết áp của người bệnh cũng sẽ được duy trì ổn định hơn.
- Với các bệnh nhân suy nhận thì đây chính là biện pháp tạm thời, giúp cơ thể ổn định trong khi chờ đợi được ghép thận.
Những nhược điểm khi chạy thận
Trong quá trình chạy thận nhân tạo, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng sau:
- Hạ huyết áp: Xảy ra ở 20-30% bệnh nhân. Nguyên nhân có thể do tốc độ bơm máu cao, quá trình siêu lọc diễn ra quá mức, dịch lọc có nhiệt độ cao hoặc do bệnh nhân dùng các thuốc trị huyết áp trước khi lọc thận, bệnh nhân có các bệnh lý tim mạch như suy tim, rối loạn nhịp tim,…
- Chuột rút: Thường do hạ huyết áp, quá trình siêu lọc quá mức hoặc dịch lọc có nồng độ natri thấp. Chuột rút xảy ra ở 5-20% bệnh nhân.
- Buồn nôn và nôn: Xảy ra ở 5-15% bệnh nhân, là hội chứng sớm của hội chứng mất cân bằng thẩm thấu, thường liên quan đến hạ huyết áp.
- Đau ngực, đau lưng: Thường gặp khi bệnh nhân thiếu máu cơ tim hoặc khi sử dụng bộ lọc lần đầu. Tỷ lệ gặp là 2-5% bệnh nhân.
- Ngứa: Ngứa xảy ra 5% bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Ngứa thường do bệnh nhân dị ứng với một số chất có trong dịch lọc.
Trong quá trình chạy thận nếu nhận thấy cơ thể có bất cứ dấu hiệu nào bất thường, người bệnh phải báo ngay với nhân viên y tế để được can thiệp, xử lý kịp thời.
Xem chi tiết sản phẩm tại đây –> Thasucavn
Những điều cần lưu ý khi chạy thận nhân tạo
Để đạt được kết quả tốt nhất từ phương pháp chạy thận nhân tạo, bạn nên lưu ý:
- Kiểm tra lưu lượng máu: Người bệnh cần kiểm tra lưu lượng máu nhiều lần trong ngày bằng cách cảm nhận sự rung động (tương tự việc sờ vào cạnh tủ lạnh). Nếu không cảm thấy điều này hoặc có sự thay đổi, cần gọi liên lạc ngay với bác sĩ.
- Tránh mặc những kiểu quần áo bó sát hay đeo trang sức trên cánh tay có đường mạch máu chạy thận.
- Không mang bất kỳ vật gì nặng hay làm bất kỳ điều gì gây áp lực cho tay có đường mạch máu chạy thận.
- Không nằm gối đầu lên cánh tay có đường mạch máu chạy thận .
- Không cho bất kỳ ai lấy máu bên cánh tay có đường mạch máu chạy thận.
- Chỉ nên ấn nhẹ vào vị trí tiếp cận sau khi rút kim ra. Do quá nhiều áp lực có thể làm ngưng dòng chảy của máu qua đường vào.
- Nếu bị chảy máu đột ngột sau khi lọc máu, bạn nên dùng khăn sạch hoặc băng gạc ấn nhẹ vào vị trí kim tiêm. Nếu máu không ngừng chảy trong 30 phút, người bệnh cần gọi ngay cho bác sĩ.
- Nếu bị nhiễm trùng máu, người bệnh có thể sử dụng kháng sinh theo chỉ định từ bác sĩ.
- Nếu xuất hiện cục máu đông trong mạch máu chạy thận, người bệnh cần tới bệnh viện để điều trị.
- Ăn đúng loại thực phẩm. Ăn đúng cách có thể cải thiện kết quả chạy thận nhân tạo và sức khỏe tổng thể của bạn. Trong khi bạn đang chạy thận nhân tạo, bạn sẽ cần theo dõi cẩn thận lượng chất lỏng, protein, natri, kali và phốt pho. Một chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn lên kế hoạch bữa ăn cá nhân dựa trên cân nặng, sở thích cá nhân, chức năng thận còn lại và các điều kiện y tế khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc huyết áp cao.
- Dùng thuốc theo quy định. Cẩn thận làm theo hướng dẫn từ bác sĩ điều trị.
Bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối khi điều trị bằng chạy thận nhân tạo cần đặc biệt chặt chẽ trong chế độ ăn. Hạn chế thức ăn nhiều muối và kali, cung cấp đạm ở mức vừa đủ, bệnh nhân cũng không được uống quá nhiều nước để hạn chế nguy cơ bị phù.
Bệnh nhân cần theo dõi cân nặng hàng ngày, để xác định lượng dịch dư thừa, điều này sẽ giúp thuận tiện cho quá trình chạy thận, máy chạy thận sẽ giúp bệnh nhân lấy lượng dịch thừa ra ngoài.
Quy trình chạy thận nhân tạo cần đảm bảo đúng kỹ thuật nhằm ngăn ngừa rủi ro sức khỏe cho người bệnh. Vì thế, nếu áp dụng phương pháp điều trị này, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín đề thực hiện, không tự ý thực hiện tại nhà. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả điều trị mà còn hạn chế mọi biến chứng có thể xảy ra trong suốt quá trình lọc máu nhân tạo.
Người bệnh có thể chuyển đổi giữa lọc màng bụng và chạy thận nhân tạo không?
Hai phương pháp lọc màng bụng và chạy thận nhân tạo có thể hỗ trợ cho nhau trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân đã chạy thận nhân tạo lâu năm, mạch máu bị biến đổi, lòng mạch hẹp, lưu lượng máu giảm, việc lọc máu kém hiệu quả thì có thể xem xét chuyển qua lọc màng bụng. Ngược lại, một bệnh nhân lọc màng bụng lâu năm nếu hiệu quả giảm có thể chuyển sang chạy thận nhân tạo. Ngay trong quá trình, bệnh nhân lọc màng bụng có thể hàng tháng đến bệnh viện chạy thận nhân tạo 1-2 lần để tăng cường hiệu quả việc lọc máu.
Nhờ sự phát triển của các phương pháp điều trị thay thế thận, bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối hiện nay có thể kéo dài cuộc sống hàng chục năm, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân cũng được cải thiện rất nhiều. Để duy trì hiệu quả điều trị và hạn chế các biến chứng, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, tái khám theo định kỳ, điều chỉnh chế độ ăn, lối sống cho phù hợp với tình trạng bệnh và phương pháp điều trị đang thực hiện.
Add comment