Ung thư thận chiếm tỷ lệ thấp, nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn, hầu hết người bệnh được chẩn đoán trong độ tuổi 60 và 70. Bệnh thường tiến triển âm thầm và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Ung thư thận là gì?
Ung thư thận là tình trạng các tế bào thận tăng sinh mất kiểm soát và theo thời gian tạo thành khối u ác tính. Những tế bào này có thể di căn sang các cơ quan khác như bàng quang, gan, phổi, xương.
Ung thư thận là một danh từ chung. Có nhiều biến thể khối u ác tính trong thận và các giai đoạn của bệnh. Điều trị phụ thuộc vào đặc điểm của khối u và kinh nghiệm chuyên môn.
Cũng cần lưu ý rằng, không phải bất kỳ một khối u thận nào cũng ác tính. Một số trường hợp có thể là u lành tính, không phải ung thư.
Các loại ung thư thận
Ung thư biểu mô tế bào thận
Ung thư biểu mô tế bào thận (RCC) là loại ung thư hay gặp nhất chiếm 85% ung thư thận. Các khối u thường xuất phát từ vùng biểu mô thận và lan sang những cấu trúc xung quanh.
Thông thường khối u chỉ tồn tại ở một bên thận nhưng có một số trường hợp có thể xuất hiện ở cả hai bên.
Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp
Ung thư biểu mô chuyển tiếp thường xuất phát từ vùng liên kết giữa thận và niệu quản. Các tế bào phát triển ở vùng này có thể hình thành khối u ở cả thận và niệu quản.
Tỷ lệ mắc ung thư loại này chiếm khoảng 6 – 7% tổng số ca mắc ung thư thận và có thể gây bệnh sang cả bàng quang.
U nguyên bào thận (U Wilms)
U nguyên bào thận hay gặp ở trẻ em và rất ít gặp ở người lớn, chiếm khoảng 5% số ca mắc ung thư thận. Đây là bệnh lý hiếm gặp những vẫn cần phải lưu ý để phát hiện và điều trị.
Sarcoma thận
Đây là ung thư ít phổ biến nhất chỉ chiếm 1% số trường hợp mắc ung thư thận. Nguồn gốc của ung thư này xuất phát từ các mạch máu hoặc các mô liên kết của thận.
Nguyên nhân gây ung thư thận
Nguyên nhân ung thư thận hiện nay chưa được biết rõ.
Một số yếu tố nguy cơ của ung thư thận:
- Hút thuốc lá: hút thuốc lá tăng nguy cơ mắc ung thư thận gấp 2 lần
- Tiếp xúc hóa chất độc hại: công nhân tiếp xúc với các hóa chất như thuốc nhuộm aniline hay kim loại nặng có nguy cơ mắc ung thư thận cao hơn
- Béo phì: người béo phì có nguy cơ bị ung thư thận cao hơn.
- Bệnh thận giai đoạn cuối có lọc máu
- Sử dụng thuốc giảm đau kéo dài như Paracetamol hay NSAID (ví dụ: Ibuprofen, Aspirin)
- Ung thư thận di truyền: chiếm nhỏ hơn 5% tổng số bệnh nhân ung thư thận. Một số hội chứng có thể dẫn đến ung thư thận như hội chứng von Hippel-Lindau (VHL syndrome), hội chứng Birt-Hogg-Dube hay bệnh xơ hóa củ.
Những triệu chứng của bệnh
Người bị ung thư thận thường sẽ có những triệu chứng lâm sàng như sau:
Tiểu ra máu
Triệu chứng này khá phổ biến, với khoảng 80% bệnh nhân đều gặp phải. Tình trạng đái máu thường có những đặc điểm như: đại thể, toàn bãi, không xuất hiện máu cục, đái máu một cách vô cớ. Sẽ có những trường hợp đái máu vi thể hoặc nhiều, có xuất hiện thêm máu cục và đôi khi cũng là do những cơn đau quặn thận.
Đau ở vùng thắt lưng
Người bệnh sẽ cảm nhận được những cơn đau âm ỉ, đau do khối u phát triển với kích thước to ra khiến cho bao thận bị căng. Có một vài trường hợp có thể đi kèm theo những cơn đau quặn thận vì máu cục làm cho đường niệu bị tắc nghẽn.
Có khối u ở vùng thắt lưng
Nếu bệnh nhân phát hiện bệnh muộn thì sẽ có những người cảm nhận được có một khối u rắn bờ không đồng đều, bị gồ ghề và ít di chuyển.
Cả ba dấu hiệu kể trên được xem là những triệu chứng kinh điển và phổ biến nhất đối với căn bệnh này. Ngoài ra, bệnh còn có thêm một vài triệu chứng nhận biết khác như:
- Bị giãn tĩnh mạch tinh ở cùng bên phát hiện ra u thận.
- Tình trạng sốt kéo dài dai dẳng do tình trạng hoại tử trong khối u hoặc trong thận hay do tình trạng phản ứng của cơ thể gây ra.
- Chứng đau đầu, thường xuyên mệt mỏi, bị chóng mặt, xuất hiện tình trạng tê ngứa ở các chi và có thể xuất hiện rối loạn thị giác.
- Cân nặng bị giảm sút đột ngột, người bệnh có dấu hiệu chán ăn, bị suy nhược cơ thể, bị thiếu máu, xuất hiện những cơn sốt nhẹ và tốc độ máu lắng tăng nhanh hơn.
- Gan trở nên to hơn, bề mặt nhẵn, không bị đau. Đi kèm với đó là phosphatase kiềm tăng cao và tỷ lệ prothrombin giảm xuống, có albumin máu giảm
- Huyết áp tăng cao vì khối u tiết ra nhiều renin hoặc là vì bị chèn ép động mạch thận.
Trong trường hợp di căn của ung thư vào phổi, gan, xương và các tạng khác, bệnh nhân có thể đến khám với các triệu chứng của các cơ quan này.
Hoặc ngược lại ung thư được phát hiện một cách tình cờ, khi chưa có dấu hiệu lâm sàng, nhân khi chụp niệu đồ tĩnh mạch, siêu âm, chụp CT Scanner, chụp phổi… Các trường hợp này ngày càng nhiều nhờ sự phổ cập của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh.
Kích thước thận trong từng giai đoạn
Ung thư thận chia thành 4 giai đoạn dựa theo kích thước, tình trạng lây lan sang các hạch bạch huyết và mức độ di căn:
- Giai đoạn I: kích thước nhỏ hơn 7cm và chưa lan ra các cấu trúc lân cận.
- Giai đoạn II: kích thước lớn hơn 7 cm và chưa lan ra các cấu trúc lân cận.
- Giai đoạn III: khối u lan đến các tĩnh mạch thận, tĩnh mạch chủ dưới và các hạch bạch huyết xung quanh.
- Giai đoạn IV: di căn xa đến các cơ quan.
Điều trị ung thư thận
Giai đoạn II, II, III
Ung thư giai đoạn I, II, III thường được loại bỏ bằng phẫu thuật; gồm 2 phương pháp tiếp cận phổ biến:
- Cắt thận bán phần: Thực hiện với khối u có kích thước dưới 7cm.
- Cắt thận triệt để: Loại bỏ toàn bộ thận.
Một số người bệnh ở giai đoạn 3 không loại bỏ được hoàn toàn tế bào ung thư bằng phẫu thuật. Khi đó, bác sĩ có thể cân nhắc chữa trị bằng thuốc nhắm mục tiêu hay liệu pháp miễn dịch.
Giai đoạn IV
Trong giai đoạn IV, vai trò của phẫu thuật triệt căn rất hạn chế. Sau phẫu thuật, nếu không lấy hết được các cơ quan và hạch bị di căn, bệnh nhân sẽ được hỗ trợ bằng thuốc mục tiêu. Điều trị sau phẫu thuật gọi là liệu pháp bổ trợ. Tuy nhiên, vì thuốc nhắm mục tiêu có tác dụng phụ nên bệnh nhân cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ về những lợi ích và rủi ro.
Trong một số ít trường hợp, liệu pháp miễn dịch cũng có thể được sử dụng. Để điều trị di căn, xạ trị có thể được đề nghị.
Nói chung, bệnh di căn không thể chữa khỏi. Việc điều trị của bệnh di căn nhằm mục đích giảm kích thước của khối u và di căn. Điều này sẽ cho người bệnh cơ hội sống lâu hơn và có ít triệu chứng hơn.
Đôi khi, người bệnh không thể phục hồi sau điều trị ung thư thận. Khi điều trị không còn thành công, người bệnh có thể được đề nghị chăm sóc giảm nhẹ để sống thoải mái hơn. Chăm sóc giảm nhẹ là một khái niệm chăm sóc với mục tiêu tối ưu hóa chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không thể khỏi bệnh.
Phương pháp nâng cao tỷ lệ sống cho bệnh nhân
Theo dõi chăm sóc, tái khám bác sĩ
Khi đã hoàn thành điều trị, bác sĩ vẫn sẽ theo dõi sát sao tình trạng bệnh. Bệnh nhân cần tái khám thường xuyên, thông báo ngay cho bác sĩ về những triệu chứng bất thường. Bởi đó có thể là do ung thư tái phát hay do bệnh ung thư mới gây ra.
Tùy theo vào giai đoạn ung thư, phương pháp điều trị và khả năng tái phát, tần suất tái khám và xét nghiệm của mỗi người bệnh sẽ có sự khác biệt. Trong giai đoạn I, bệnh nhân nên tái khám sức khỏe mỗi 1-3 tháng một lần trong vài năm đầu sau điều trị. Vào những giai đoạn sau, bệnh nhân cần tái khám 3 – 6 tháng một lần trong 3 năm đầu, sau đó là mỗi năm một lần.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp tăng sự thèm ăn ở bệnh nhân ung thư.
Bạn nên ăn nhiều trái cây và rau quả. Vì những thực phẩm này chứa chất oxy hóa, vitamin, khoáng chất hỗ trợ rất tốt cho hoạt động của hệ miễn dịch, làm chậm quá trình tiến triển bệnh. Một số thực phẩm chứa chất béo có lợi như cá hồi, thịt nạc, dầu ô-liu, bơ, ngũ cốc nguyên hạt… cũng nên được đưa vào thực đơn hằng ngày của người bệnh.
Bỏ hút thuốc
Thận có nhiệm vụ lọc chất độc và chất thải ra khỏi máu. Trong khi, thuốc lá chứa rất nhiều độc tố. Khi hút thuốc, thận của bạn sẽ phải làm việc nhiều hơn. Vì thế, để cải thiện chức năng thận, người bệnh cần từ bỏ ngay thói quen hút thuốc.
Duy trì tập luyện
Kết hợp một số hoạt động nhẹ nhàng vào sinh hoạt hằng ngày có thể mang lại những tác động tích cực đến sức khỏe của người bệnh. Thường xuyên rèn luyện cơ thể sẽ hỗ trợ cải thiện mức năng lượng, xây dựng sức khỏe và tăng cường khả năng chịu đựng.
Hơn thế nữa, tập luyện còn giúp tăng khả năng miễn dịch. Khi hệ thống miễn dịch vững mạnh, cơ thể sẽ chống lại bệnh ung thư và tình trạng nhiễm trùng tốt hơn.
Giảm nguy cơ nhiễm trùng
Một số phương pháp điều trị có thể khiến hệ miễn dịch của bệnh nhân suy yếu. Để hạn chế nguy cơ tái phát ung thư, bạn nên trao đổi với bác sĩ nhằm tìm ra phương án điều trị phù hợp.
Add comment