Ghép thận được xem là phương pháp điều trị hiệu quả, mang đến hy vọng cho bệnh nhân mắc bệnh thận mãn giai đoạn cuối hoặc suy thận. Thận lấy từ người hiến tặng còn sống hoặc đã qua đời vào một người có thận không còn hoạt động bình thường.
Ghép thận cho người suy thận
Ghép thận là một trong những phẫu thuật phổ biến trong ghép tạng được chỉ định cho nhóm bệnh nhân suy thận mạn hoặc suy thận. Vai trò chính của thận là lọc các chất thải ra khỏi máu và chuyển hóa chúng thành chất cặn bã. Nếu thận mất khả năng này, các chất cặn bã có thể tích tụ, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nhiều người lầm tưởng rằng cấy ghép thận là việc thay thế thận cũ của bệnh nhân bằng quả thận mới từ người hiến tặng. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy, thận mới được hiến tặng sẽ ghép ở ngoài màng bụng, vị trí phổ biến thường là vùng hố chậu phải khi lấy thận trái hoặc ngược lại, ngoài ra cũng có thể ghép cùng bên, tùy tình trạng của bệnh nhân.
Ghép thận thường được lựa chọn để điều trị suy thận hơn việc chạy thận suốt đời. Ghép thận có thể điều trị bệnh thận mãn tính hoặc bệnh thận giai đoạn cuối để giúp tăng chất lượng cuộc sống tốt hơn, giảm nguy cơ tử vong, ít hạn chế chế độ ăn uống hơn, chi phí điều trị thấp hơn.
Người ta chỉ cắt bỏ 1 hoặc 2 thận bệnh lý trong một số trường hợp đặc biệt (thận đa nang quá to, thận bệnh bị viêm mãn tính nặng, hẹp động mạch thận nặng). Một người có thể được ghép thận được nhiều lần, nếu thận ghép bị hỏng.
Một ca phẫu thuật ghép thận yêu cầu rất nhiều tiêu chí, từ chuyên môn của bác sĩ, trang thiết bị y tế cho đến việc thận ghép phải có các chỉ số sinh học phù hợp với cơ thể người nhận.
Lợi ích khi người bệnh được ghép thận
Nhìn chung, hiện tại ghép thận có thể xem là giải pháp tối ưu cho người bệnh bị suy giảm chức năng thận nghiêm trọng, đem lại hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn.
Người bệnh sau ghép thận không phải đến bệnh viện hàng ngày hoặc cách ngày để lọc máu theo định kỳ nữa, chế độ ăn của người sau ghép thận cũng không khắt khe như người đang chạy thận nhân tạo.
Đây là một phương pháp điều trị phức tạp với nhiều quy định riêng chặt chẽ nên người bệnh cần tuân thủ đúng. Tuy nhiên, thận mới ghép vào vẫn có nguy cơ bị bệnh nên cần được chăm sóc tốt ngay khi ghép thông qua lối sống thường ngày.
Ghép thận xong sống được bao lâu?
Ghép thận là một cuộc đại phẫu thuật có ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống của người bệnh. Việc đưa một quả thận từ cơ thể của người hiến tặng mặc dù đáp ứng các chỉ số nhưng không thể đảm bảo thận hoạt động hiệu quả như thận gốc lúc khỏe mạnh.
Hiện nay, theo nhiều ghi nhận y khoa, bệnh nhân sau ghép thận có sức khỏe ổn định, tuổi thọ có thể kéo dài thêm từ 15 – 20 năm, thậm chí trên 20 năm tùy vào thể trạng và thói quen sinh hoạt hoặc bệnh lý khác đi kèm. Đối với một số bệnh nhân không bị ảnh hưởng của biến chứng, thận được hiến tặng có thể hoạt động khỏe mạnh lâu hơn.
Khi nào bệnh nhân cần ghép thận
Những người bị bệnh thận giai đoạn cuối, phải lọc máu và đặc biệt có kèm các bệnh lý nền khác như tim mạch, đái tháo đường,… có nguyện vọng được ghép thận.
Những bệnh nhân này phải có tình trạng toàn thân tương đối tốt, huyết áp được kiểm soát ổn định, tình trạng mạch máu vùng chậu bình thường để có thể tiến hành phẫu thuật ghép thận và tuổi tốt nhất dưới 60.
Không có chỉ định ghép thận cho những người bị ung thư, đang bị nhiễm khuẩn cấp, rối loạn tâm thần, cường giáp chưa điều trị ổn định, xơ gan hoặc viêm gan mạn hoạt động, nhiễm HIV, giang mai, lao, lupus ban đỏ. Các trường hợp có bệnh tiểu đường cần cân nhắc kỹ.
Chỉ định của phương pháp ghép thận và các điều kiện bắt buộc
Phương pháp ghép thận được chỉ định cho người bệnh bị bệnh thận mạn giai đoạn cuối (ESRD) khi chức năng hoạt động của quả thận chỉ còn dưới 10%. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải người bệnh nào muốn ghép thận đều có thể áp dụng giải pháp này. Để có thể lựa chọn, trước hết người bệnh cần đáp ứng những điều kiện sau:
- Có quả thận hiến tặng cho người bệnh phù hợp.
- Người bệnh có đủ sức khỏe để có thể trải qua cuộc đại phẫu ghép tạng thận.
- Người bệnh chịu được chế độ dùng thuốc nghiêm ngặt, suốt đời.
- Tài chính gia đình ổn định để chi trả chi phí phẫu thuật, đơn thuốc sau này.
Bên cạnh đó, người bệnh có bất kỳ bệnh nền nào dưới đây sẽ được bác sĩ kiểm tra lại vì có thể ảnh hưởng đến kết quả của ca phẫu thuật ghép thận. Các bệnh nền bao gồm:
- Ung thư (đang được điều trị hoặc có tiên lượng sống cuộc đời ngắn).
- Nhiễm khuẩn nặng (như nhiễm lao, nhiễm trùng xương, bệnh viêm gan…). Tuy nhiên nếu người bệnh được điều trị khỏi hay ổn định có thể vẫn ghép thận được.
- Những bệnh về tim mạch (như suy tim nặng) hoặc gan như bệnh xơ gan, ung thư gan. Trong trường hợp này, người bệnh có thể sẽ được ghép gan trước, sau đó ghép thận sau.
Các bước chuẩn bị tiến hành cho ghép thận
Ghép thận cũng như ghép tạng đòi hỏi phải phối hợp nhiều chuyên ngành: thận học, miễn dịch học, mô phôi học, thận nhân tạo, phẫu thuật thực nghiệm, ngoại khoa (ngoại chung, ngoại mạch máu, tiết niệu) gây mê, hồi sức, sinh hoá, hoá nghiệm, huyết học – truyền máu – chẩn đoán hình ảnh, chẩn đoán chức năng; tâm lý y học, dược học… Chính vì vậy việc chuẩn bị bệnh nhân trước ghép nhất là với người cho thận là người sống rất quan trọng.
Người cho phải có nhóm máu phù hợp, không có bệnh lây truyền, bệnh hệ thống, bệnh ung thư… hai thận phải có chức năng tốt và giải phẫu bình thường. Về miễn dịch học và các xét nghiệm cho phép ghép về tương hợp mô (tương hợp về hệ thống DLA, thử chéo, tiền mẫn cảm).
Với người cho sống phải làm test tâm lý để họ tự nguyện dù là có quan hệ huyết thống. Với người cho là chết thì cũng phải được tự nguyện hoặc gia đình họ chấp nhận. Ở nhiều nước trên thế giới đã làm thẻ cho phủ tạng tự nguyện để khi chết não có thể xin phủ tạng mà không phải xin ý kiến người thân nữa.
Về phía người nhận, được chỉ định cho tất cả các bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối hoặc mất thận phải chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng chu kỳ. Tuổi từ 6 tháng đến 64 tuổi – cá biệt có thể cao hơn 70 tuổi.
Chống chỉ định ghép thận cho người có bệnh sau: bệnh lý ác tính, suy tim không hồi phục, suy hô hấp mạn tính, bệnh gan đang phát triển, bệnh mạch máu (mạch vành, mạch não hoặc ngoại biên), dị dạng đường tiết niệu bẩm sinh nặng, nhiễm khuẩn mạn tính không đáp ứng với điều trị, người nhiễm HIV/AIDS, rối loạn đông máu nặng, bệnh tâm thần, nghiện rượu nặng…
Việc tuyển chọn người cho và người nhận phải rất chặt chẽ. Hiện nay có khoảng 50 chỉ tiêu để chọn cặp ghép.
Biến chứng có thể gặp khi ghép thận
Ngoài việc ghép thận sống được bao lâu thì những biến chứng sau phẫu thuật cũng là điều khiến bệnh nhân và gia đình lo lắng. Chỉ số sức khỏe ổn định của bệnh nhân sau khi hoàn thành phẫu thuật chỉ là một trong rất nhiều yếu tố đánh giá ca ghép thận thành công. Bởi vì biến chứng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong vòng 12 tháng kể từ khi cơ thể tiếp nhận quả thận được hiến tặng. Một số biến chứng có thể gặp phải khi ghép thận như:
- Biến chứng miễn dịch: tình trạng thải ghép là khi cơ thể phản ứng không tương thích với thận được hiến tặng, có thể xảy ra 1 hoặc nhiều lần trong năm đầu tiên sau phẫu thuật. Ngoài ra có thể xuất hiện bệnh thận mạn tính sau ghép nhưng tỷ lệ mắc thường ít gặp hơn thải ghép.
- Biến chứng bệnh nội khoa như suy thận, hội chứng hư thận, hoại tử ống thận hoặc các bệnh lý như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, hồng cầu tăng đột biến, mất kiểm soát lipid máu,…
- Biến chứng nhiễm khuẩn, xuất huyết, giảm bạch cầu, viêm độc lợi thận, viêm cầu thận,… do cơ thể phản ứng không phù hợp trong quá trình sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
Những điều cần biết sau khi ghép thận
Triệu chứng lâm sàng và chức năng phản ứng thải bỏ mô ghép thay đổi tuỳ thuộc vào cơ quan ghép. Bệnh nhân thường có sốt và mệt mỏi. Cơ quan ghép thường bị phù nề và mất trương lực. Để đánh giá tình trạng phản ứng thì cần làm các xét nghiệm hoá sinh và chức năng. Qua đó sẽ chẩn đoán phân biệt giữa phản ứng thải bỏ và nhiễm trùng.
Điều trị sau ghép thận
Mục đích lớn nhất của việc điều trị là làm giảm cường độ tấn công của các cơ chế miễn dịch vào các cơ quan hoặc mô ghép. Các steroid có hiệu quả nhanh chóng và rõ rệt trong việc làm giảm phản ứng thải bỏ (tới 60 – 70% các trường hợp ở giai đoạn thải bỏ cấp).
Thường thì sau tiêm bệnh nhân hết các triệu chứng thải bỏ, đặc biệt là hết sốt và dễ chịu ngay. Có thể phối hợp các steroid với globulin kháng lympho bào. Sự phối hợp này có hiệu quả cao nhất với các trường hợp phản ứng thải bỏ có sự tham gia của đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào.
Việc điều trị các cơn thải bỏ cấp thường có kết quả. Nhưng ngược lại chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với các trường hợp ghép thận khác gen cùng loại mà có phản ứng thải bỏ tối cấp hoặc mạn tính. Việc ngăn ngừa thải ghép mạn ở tất cả bệnh nhân được ghép khác gen cùng loại bằng duy trì các thuốc ức chế miễn dịch trong suốt thời gian sống sau ghép.
Có thể dùng phác đồ 2 thuốc: cyclosporin A phối hợp với prednisolon hoặc imuran phối hợp với prednisolon. Hoặc phác đồ 3 thuốc: cyclosporin A phối hợp với prednisolon và imuran hoặc cellcept. Dùng imuran hoặc cellcept trong phác đồ điều trị phải theo dõi bạch cầu trong máu. Nếu bạch cầu hạ dưới 4,0 x 103 phải ngừng thuốc, sau 1 – 2 tuần bạch cầu sẽ trở về bình thường và có thể dùng tiếp thuốc nhưng phải giảm liều. Khi dùng thuốc cần phải định lượng nồng độ cyclosporin trong huyết thanh để tăng hay giảm liều sao cho đạt nồng độ tối thiểu.
Theo dõi sau ghép thận lâu dài
Ghép thận – ghép tạng là kỹ thuật y sinh học cao, đòi hỏi nhiều chuyên ngành, tốn kém và phải theo dõi lâu dài, liên tục với chế độ dùng thuốc hợp lý, nhất là thuốc ức chế miễn dịch. Do vậy người bệnh sau ghép phải được thầy thuốc chuyên khoa quản lý và theo dõi chặt chẽ.
Bệnh nhân ghép thận phải được theo dõi suốt đời sau ghép
Định kỳ 1 – 2 tháng phải được kiểm tra ure, creatinin, công thức hồng cầu, bạch cầu, SGOT, SGPT, axit uric, glucose trong máu và protein nước tiểu. Cân nặng và huyết áp phải được theo dõi hàng ngày để duy trì chế độ ăn không tăng cân và dùng thuốc duy trì huyết áp cho phù hợp. Bệnh nhân phải được theo dõi nồng độ thuốc ức chế miễn dịch và điều chỉnh liều sao cho phù hợp với từng cá thể người bệnh; theo dõi các biến chứng nhiễm khuẩn, tim mạch, ung thư sau ghép, biến chứng do dùng corticoide và các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt
Phù hợp với tình trạng giảm miễn dịch của cơ thể người mang thận ghép là vô cùng quan trọng. Do vậy, việc theo dõi, khám lâm sàng và làm các xét nghiệm định kỳ để đánh giá tình trạng sức khỏe của người mang thận ghép cũng như hoạt động của quả thận ghép phải được theo dõi sát sao. Bất cứ sự thay đổi bất thường nào về hoạt động cũng như chức năng của thận ghép cần khảo sát kỹ càng bằng các thăm dò đặc biệt để phát hiện các tình huống: thải ghép cấp, thải ghép mạn, bệnh lý thận xuất hiện trên thận ghép, ảnh hưởng của thuốc ức chế miễn dịch lên cơ thể… để xử trí kịp thời.
Không những thế, khi thận được ghép vào cơ thể, người nhận cần được sử dụng thuốc ức chế miễn dịch (ƯCMD) để tránh hiện tượng đào thải tạng ghép. Sử dụng thuốc ƯCMD đúng, đủ liều và tuân thủ nghiêm ngặt về thời gian dùng thuốc trong ngày. Việc định lượng nồng độ thuốc ƯCMD trong máu người mang thận ghép là hết sức quan trọng bởi nồng độ thuốc cần đạt ở trong một giới hạn nhất định, nếu thấp sẽ gây thải ghép, còn nếu cao sẽ gây hại cho thận ghép (nhiễm độc) cũng như toàn cơ thể. Nếu được theo dõi đầy đủ đúng cách thì đời sống của thận ghép sẽ được duy trì có thể đến 30 – 40 năm, ngược lại nếu không được theo dõi tốt quả thận ghép chỉ tồn tại được vài năm, thậm chí ít hơn.
Nếu sức khỏe hồi phục tốt, bệnh nhân ghép thận có thể sinh hoạt vợ chồng sau 3 tháng phẫu thuật và sinh con sau đó 1-2 năm. Tuy nhiên, cần đề phòng nhiễm trùng do mất vệ sinh hoặc trầy xước niêm mạc khi giao hợp. Nếu muốn tránh thai, nên dùng bao cao su.
Bệnh nhân sau ghép thận do tâm lý thoải mái nên thường ăn ngủ nhiều, dễ tăng trọng lượng cơ thể, ảnh hưởng tới sức khoẻ, do đó cần có kế hoạch ăn uống điều độ. Nên ăn đồ ăn đã nấu chín, không ăn đồ sống, đồ biển, nước chưa đun sôi, sữa tươi, rau quả đã dập nát. Kiêng rượu và các đồ uống có cồn khác. Nên ăn thức ăn ít muối, ít chất béo, ít đường. Không nên ăn các loại đậu.
Nên tạo môi trường sinh hoạt với không khí trong lành, thoáng mát, dọn dẹp sạch các nơi có chứa nước (là nguồn sinh sản của muỗi truyền bệnh). Không nuôi chim, súc vật nếu không thể kiểm soát lây nhiễm (như chó ghẻ, heo, bọ chét….). Tránh khu vực ô uế, đám tang người có bệnh truyền nhiễm, nơi đông người, nhất là trong mùa có dịch bệnh hô hấp. Tránh hướng gió gần nơi ô nhiễm. Cần dùng kem chống nắng khi đi biển hoặc phải ở ngoài trời nhiều giờ liên tục. Tránh để mắc cảm cúm, tránh gần những người bị các bệnh truyền nhiễm.
- Xem chi tiết sản phẩm tại đây –> Thasucavn
Tái khám định kỳ
Để đảm bảo sức khoẻ cơ thể và tuổi thọ của quả thận mới, bệnh nhân sau khi xuất viện cần tái khám định kỳ theo chế độ như sau:
- Tháng đầu sau khi xuất viện: 10 ngày tái khám 1 lần.
- Tháng thứ 2 sau khi xuất viện: 15 ngày tái khám 1 lần.
- Tháng thứ 3 đến tháng thứ 6: mỗi tháng tái khám 1 lần.
Sau 6 tháng nếu bạn cảm thấy không có gì khác lạ hay khó chịu thì có thể 2-3 tháng đi tái khám một lần (khi cảm thấy cơ thể khó chịu hoặc có những biểu hiện không bình thường nên đi kiểm tra ngay).
Bệnh nhân phải dùng thuốc ức chế miễn dịch suốt đời. Do loại thuốc này có độc tính cao nên việc sử dụng nhất thiết phải theo hướng dẫn của bác sĩ. Cần dùng thuốc đúng giờ (nên có một đồng hồ báo giờ), theo dõi các biến chứng, tác dụng phụ của thuốc. Việc uống các thuốc khác cũng phải theo y lệnh để tránh các tương tác có hại.
Không ngừng thuốc vì tác dụng phụ (phải hỏi ý kiến bác sĩ) hay vì cảm thấy đã khỏe mạnh.
Không tự ý thay đổi liều lượng và thời gian uống thuốc khi nghi ngờ rằng nó không giống với thuốc lần trước bạn đã mua.
Hầu như bệnh nhân sau khi ghép thận thành công thì không cần chạy thận nhân tạo và có thể sinh hoạt như người bình thường. Tuy nhiên, một số trường hợp suy thận sau thời gian dài sau ghép thận hoặc có biến chứng về sức khỏe thì bác sĩ sẽ có chỉ định chạy thận nếu cần thiết.
Mỗi phương pháp điều trị bệnh suy thận đều có những lợi ích, biến chứng và những chỉ định điều trị riêng. Tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe cũng như kinh tế bản thân, người bệnh được chỉ định điều trị theo phương pháp nào phù hợp nhằm cải thiện cuộc sống cũng như kéo dài thêm thời gian sống của chính người bệnh.
Add comment