Thận là cơ quan đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng giúp cơ thể duy trì sự sống. Khi thận gặp vấn đề thì sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Bệnh thận thường được gọi chung khi thận bị tổn thương, hư hỏng, không còn hoạt động hiệu quả. Các vấn đề về thận thường không nhận ra đến khi chúng đã trỡ nặng. Vậy bệnh thận là gì, dấu hiệu cảnh báo chúng?
Vai trò của thận
Thận là một cơ quan bài tiết chính trong hệ tiết niệu. Thận đảm nhiệm vai trò lọc máu và các chất thải tồn dư trong cơ thể thông qua đường bài tiết.
Khi trong máu có quá nhiều nước dư thừa, thận sẽ hoạt động trên cơ chế thu gom lượng nước thừa này để đổ vào bàng quang và đẩy ra khỏi cơ thể nhờ vào bài tiết nước tiểu. Ngược lại, khi trong máu có quá ít nước, thận sẽ phải tính toán để có đủ lượng nước trong máu và nước trong nước tiểu sao cho hợp lý nhất để ổn định tỷ lệ nước trong cơ thể.
Chưa kể, thận còn kích hoạt vitamin D, nhằm mục đích giải phóng ra renin là một loại hormone giúp cơ thể tăng huyết áp trong những trường hợp cần thiết.
Khi thận bị tổn thương, hay gặp vấn đề khiến chức năng bị suy yếu dẫn đến những thành phần độc hại chưa qua sàng lọc sẽ tăng cao trong máu.
Một quả thận khỏe mạnh, làm việc hiệu quả sẽ giúp chất độc hại được đào thải ra cơ thể một cách nhanh chóng và đều đặn. Nhưng khi thận bị ảnh hưởng sẽ khiến chất độc hại tích tụ ảnh hưởng đến cơ quan như hệ tiết niệu, bàng quang, tuyến tiền liệt và cả những thay đổi bên ngoài như rụng tóc, vàng da, tích nước phù thũng, gây ra bệnh lý như suy thận, viêm thận, thận hư…
Bệnh thận là gì?
Bệnh thận là thuật ngữ chung dùng để chỉ những trường hợp thận bị tổn thương, hư hỏng và không thể lọc máu theo cách bình thường.
Bệnh thận giai đoạn sớm thường không có triệu chứng, chỉ phát hiện tình cờ qua xét nghiệm máu và nước tiểu. Những biểu hiện về sau như: chán ăn, buồn nôn, rối loạn vị giác, tiểu đêm, uể oải, mệt mỏi, ngứa, giữ nước, suy dinh dưỡng,…
Nguy cơ bị bệnh thận có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào từ trẻ em, thanh thiếu niên, trung niên đến người lớn tuổi mà không phân biệt giới tính nam hay nữ. Những bệnh lý về thận thường gặp hiện nay bao gồm sỏi thận, viêm cầu thận, suy thận cấp – mạn tính, ung thư thận… Trong đó, suy thận cấp và mạn tính là hai tình trạng rất phổ biến, do biến chứng từ nhiều bệnh lý khác.
Để có kết luận chính xác, bạn cần đến các cơ sở y tế để thực hiện các chẩn đoán dựa trên kết quả xét nghiệm lâm sàng. Các bác sĩ, chuyên gia y tế sẽ đánh giá chức năng của thận, chẩn đoán bệnh và đưa ra lộ trình điều trị phù hợp với tình trạng của từng bệnh nhân.
Những nguyên nhân dẫn tới bệnh thận
- Lạm dụng thuốc giảm đau bằng việc sử dụng lâu dài hoặc liều lượng lớn các loại thuốc kháng viêm giảm đau như aspirin, indomethacin, acetaminophen sẽ gây hại cho thận.
- Đái tháo đường: Bệnh thận do biến chứng đái tháo đường gây ra, đây là tình trạng quá nhiều glucose (hoặc đường trong máu) làm hỏng bộ lọc của thận. Theo thời gian, thận của bạn bị tổn thương đến mức chúng không còn thực hiện tốt công việc lọc chất thải và chất lỏng dư thừa từ máu của bạn.
- Huyết áp cao: Huyết áp cao có thể làm hỏng các mạch máu trong thận khiến chúng không hoạt động tốt. Nếu các mạch máu trong thận của bạn bị tổn thương, thận sẽ không hoạt động tốt để loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể.
- Uống quá nhiều đồ uống không tốt cho sức khỏe như: nước ngọt, nước có ga, trà đặc, rượu bia. Hầu hết chúng đều được lọc qua thận và gan. Vì vậy, uống quá nhiều sẽ làm tăng gánh cho thận và các cơ quan tiêu hóa.
- Nhịn tiểu là thói quen của rất nhiều người, do quá bận rộn với công việc, hay ngại đứng dậy đi tiểu để cố làm nốt việc. Điều này sẽ khiến cho nước tiểu bị giữ lại lâu trong bàng quang, có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm đài bể thận.
- Uống quá ít nước: nếu không uống nước trong một thời gian dài, lượng nước tiểu sẽ giảm đi đồng nghĩa với việc các chất thải và độc tố có trong nước tiểu sẽ tăng lên. Dẫn tới các bệnh như sỏi thận. thận ứ nước…
- Ăn nhiều muối,…
Những dấu hiệu của bệnh thận
Mệt mỏi, suy nhược cơ thể
Khi chức năng thận suy giảm có thể dẫn đến sự tích tụ độc tố và tạp chất trong máu. Điều này khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, cơ thể yếu ớt và khó tập trung. Một biến chứng khác của bệnh thận là thiếu máu, gây suy nhược cơ thể và mệt mỏi.
Khó ngủ
Khi quá trình lọc máu ở thận gặp vấn đề, chất độc sẽ ở lại trong máu thay vì thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Điều này có thể khiến người bệnh gặp phải tình trạng khó ngủ. Với những người mắc bệnh mạn tính như béo phì, suy thận, chứng ngưng thở khi ngủ cũng dễ bị mắc bệnh thận hơn so với người bình thường.
Da khô và ngứa
Da khô và ngứa cũng là dấu hiệu của bệnh về khoáng chất và xương. Vì thận đảm nhận vai trò quan trọng trong quá trình loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể, giúp tạo ra các tế bào hồng cầu, giúp xương chắc khỏe và hoạt động để duy trì lượng khoáng chất phù hợp trong máu. Khi mắc bệnh thận, thận không còn khả năng giữ cân bằng khoáng chất và chất dinh dưỡng trong máu.
Thường xuyên có nhu cầu đi tiểu
Nếu bạn cảm thấy thường xuyên mắc tiểu, đặc biệt vào ban đêm, đây có thể là dấu hiệu của bệnh thận. Khi các bộ lọc của thận bị hư hỏng, làm tăng cảm giác muốn đi tiểu. Đôi khi đây cũng là dấu hiệu của nhiễm trùng tiết niệu hoặc phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới.
Tiểu máu
Khi thận gặp vấn đề, trong quá trình lọc máu chúng sẽ không thể giữ được hết những tế bào máu trong cơ thể. Điều này đồng nghĩa với việc các tế bào máu có thể bị “rò rỉ” ra ngoài theo đường nước tiểu. Ngoài việc báo hiệu bệnh thận, máu trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của khối u, sỏi thận hoặc nhiễm trùng.
Nước tiểu có nhiều bọt
Khi đi tiểu, bạn sẽ thấy nhiều bọt nước tiểu nổi lên như khi đánh trứng và bạn cần phải xả nước nhiều lần mới khiến chúng biến mất hoàn toàn. Đây là dấu hiệu bệnh thận bạn dễ nhận biết và cần lưu ý.
Sưng mắt cá chân, bàn chân
Suy giảm chức năng thận trong quá trình lọc máu có thể dẫn đến tình trạng tích tụ lượng lớn natri trong cơ thể. Điều này gây sưng ở bàn chân và mắt cá chân của bệnh nhân. Ngoài ra, hiện tượng sưng ở chi dưới cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tim, bệnh gan và các vấn đề mãn tính về tĩnh mạch chân.
Gây mất khẩu vị, chán ăn, hôi miệng
Một dấu hiệu bệnh thận rất chung chung và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác là tình trạng mất vị giác, chán ăn. Khi gặp phải tình trạng này có thể do thận đã bị suy giảm chức năng, gây ra tình trạng tích tụ độc tố trong cơ thể.
Đồng thời những chất độc còn gây ra tình trạng hôi miệng và làm thay đổi mùi vị thức ăn. Đây cũng là một dấu hiệu điển hình cho thấy rất có khả năng chức năng thận của bạn đang gặp vấn đề.
Cơ bắp thường xuyên bị chuột rút
Khi chức năng thận bị suy giảm, quá trình lọc máu diễn ra không bình thường sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng điện giải. Khi gặp phải tình trạng này, cơ thể sẽ dễ bị hạ canxi, không kiểm soát được phốt pho,… gây ra tình trạng chuột rút cơ.
Những bệnh lý ở thận thường gặp
Suy thận
Suy thận là tình trạng suy giảm chức năng thận nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh. Suy thận có thể cấp tính hoặc mạn tính.
Với bệnh nhân suy thận cấp tính, nếu có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì thận sẽ có khả năng hồi phục chức năng cao. Còn với bệnh nhân suy thận mạn tính sẽ phải chấp nhận việc sống chung với bệnh này, mọi phương pháp can thiệp, điều trị cũng chỉ nhằm duy trì tình trạng hoạt động hiện tại của thận và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng trong tương lai.
Sỏi thận
Sỏi thận là những cặn khoáng hình thành trong thận, gây ra cơn đau dữ dội khi di chuyển qua đường tiết niệu.
Sỏi thận thường ra khỏi cơ thể khi đi tiểu. Sỏi thận đi ra ngoài sẽ gây cảm giác cực kỳ đau đớn, nhưng chúng hiếm khi gây ra các vấn đề nghiêm trọng.
Nhiễm trùng thận
Nhiễm trùng thận là tình trạng nhiễm trùng vi khuẩn ở một hoặc cả hai quả thận.
Nếu không được điều trị đúng cách, nhiễm trùng gây tổn thương lâu dài cho thận.Vi khuẩn có thể lây lan vào máu và gây nhiễm trùng nguy hiểm. Điều trị nhiễm trùng thận thường bao gồm thuốc kháng sinh được dùng trong bệnh viện.
Viêm cầu thận
Viêm cầu thận là tình trạng viêm xảy ra ở cầu thận, bao gồm viêm ở các tiểu cầu thận và các mạch máu trong thận.
Viêm cầu thận gây ra các biểu hiện như phù, tăng huyết áp, thiếu máu, thay đổi thành phần nước tiểu,… Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn tới suy thận, ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, thậm chí gây tử vong.
Bệnh thận nhiễm mỡ
Bệnh thận nhiễm mỡ là sự tích tụ mô mỡ xảy ra ở một số vùng của thận, bao gồm khoang sau phúc mạc, khoang quanh thận bên ngoài bao thận, rốn thận và vùng xoang. Các mô mỡ này góp phần trực tiếp chèn ép vật lý lên thận, cản trở chức năng thận. Sự chèn ép có thể được kết hợp bởi áp lực trong ổ bụng tăng cao.
Ung thư thận
Ung thư thận là sự phát triển bất thường của các tế bào trong mô thận của bạn. Theo thời gian, những tế bào này tạo thành một khối gọi là khối u. Ung thư bắt đầu khi một thứ gì đó kích hoạt sự thay đổi trong các tế bào và chúng phân chia ngoài tầm kiểm soát. Một khối u ung thư hoặc ác tính có thể lây lan sang các mô và cơ quan quan trọng khác.
U thư thận có nhiều dạng, tuy nhiên phổ biến nhất chính là ung thư biểu mô tế bào thận. Khi bị ung thư thận, người bệnh cần chủ động tầm soát cũng như điều trị, can thiệp càng sớm càng tốt.
Điều trị bệnh thận
Cách điều trị bệnh thận sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh. Dưới đây là một số phương pháp điều trị phổ biến:
Thay đổi lối sống
Chế độ ăn uống
- Hạn chế muối: Lượng muối khuyến nghị cho người bệnh thận thường là dưới 6 gram mỗi ngày.
- Ăn nhiều trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt: Các thực phẩm này cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ cần thiết cho cơ thể, đồng thời giúp giảm huyết áp và kiểm soát lượng đường trong máu.
- Hạn chế protein: Lượng protein khuyến nghị cho người bệnh thận thường là 0,8 – 1 gam protein trên mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày.
- Uống đủ nước: Nước giúp cơ thể loại bỏ độc tố và duy trì chức năng thận. Lượng nước khuyến nghị cho người bệnh thận thường là 1,5 – 2 lít mỗi ngày.
Kiểm soát huyết áp
Kiểm soát lượng đường trong máu
Bỏ hút thuốc lá
Duy trì cân nặng hợp lý
Tập thể dục thường xuyên
Sử dụng thuốc
- Thuốc lợi tiểu: Giúp cơ thể loại bỏ natri và nước dư thừa ra khỏi cơ thể.
- Thuốc hạ huyết áp: Giúp kiểm soát huyết áp.
- Thuốc điều chỉnh cholesterol: Giúp giảm mức cholesterol trong máu.
- Thuốc chống đông máu: Giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông.
- Thuốc erythropoietin: Giúp kích thích sản xuất hồng cầu.
- Vitamin và khoáng chất: Bổ sung vitamin và khoáng chất mà cơ thể có thể thiếu do chức năng thận suy giảm.
Phương pháp điều trị khác
- Chạy thận nhân tạo: Đây là phương pháp điều trị thay thế chức năng thận khi thận đã suy yếu hoàn toàn. Chạy thận nhân tạo giúp loại bỏ chất thải và nước dư thừa ra khỏi cơ thể, đồng thời điều chỉnh cân bằng điện giải.
- Lọc màng bụng: Một phương pháp điều trị thay thế chức năng thận khác. Lọc màng bụng sử dụng một dung dịch đặc biệt được đưa vào khoang bụng để loại bỏ chất thải và nước dư thừa ra khỏi cơ thể.
- Ghép thận: Ghép thận là phương pháp điều trị duy nhất có thể chữa khỏi bệnh thận. Ghép thận là việc cấy ghép một quả thận khỏe mạnh từ người hiến tặng vào cơ thể người bệnh.
Hầu hết các bệnh thường gặp ở thận đều diễn biến âm thầm, người bệnh có thể không nhận ra cho tới khi bệnh diễn tiến nặng. Do đó, những người có nguy cơ cao mắc bệnh thận nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc kiểm tra khi có triệu chứng cảnh báo bệnh thận để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Add comment