Thận đóng vai trò quan trọng trong việc lọc máu, loại bỏ chất thải và duy trì cân bằng nước và điện giải trong cơ thể. Vì vậy việc bảo vệ thận tránh được những căn bệnh như thận hư, suy thận,… là rất quan trọng. Những thói quen tốt cho thận như tập thể dục thường xuyên, kiểm soát lượng đường trong máu, có chế độ ăn uống cân bằng sẽ giúp thận khỏe mạnh.
Khi thận bị suy yếu
Thận là một trong những cơ quan đóng vai trò quan trọng trong hầu hết hoạt động của cơ thể. Việc duy trì chức năng thận khỏe mạnh sẽ mang lại một sức khỏe tổng thể ổn định.
Thận với chức năng lọc máu và đào thải độc tố theo đường niệu đạo dẫn đến bàng quang và thải ra ngoài, tái hấp thu nước, các acid amin và glucose. Ngoài ra, thận có chức năng nội tiết, là nơi sản xuất các hormone như: calcitriol, renin, và erythropoietin.
Một khi chức năng của thận bị suy giảm, không đảm nhiệm được các chức năng này sẽ gây ra các vấn đề rối loạn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cần phải lọc máu nhân tạo hoặc buộc phải ghép thận. Một số bệnh lý thường gặp là sỏi thận, viêm cầu thận, bệnh thận đa nang… Nếu kéo dài sẽ dẫn đến viêm đường tiết niệu. Nặng nhất sẽ dẫn đến suy thận cấp và mạn tính.
Sau đây là một số bệnh lý phổ biến khi thận bị suy yếu:
Bệnh thận mạn tính
Bệnh thận mạn tính một dạng bệnh thận phổ biến nhất. Nguyên nhân hàng đầu dẫn tới suy thận là đái tháo đường. Gần 50% người bị bệnh thận mạn giai đoạn cuối có nguyên nhân xuất phát là đái tháo đường.
Một nguyên nhân khác của bệnh suy thận mạn tính là huyết áp cao. Thận là bộ phận liên tục xử lý máu của cơ thể, chúng tiếp xúc với khoảng 20% tổng lượng máu của cơ thể mỗi phút. Khi huyết áp tăng cao sẽ tăng áp lực lên cầu thận, cũng như ảnh hưởng đến chức năng của thận.
Thận suy yếu không thể thực hiện được chức năng, buộc người bệnh buộc phải chạy thận nhân tạo để lọc máy. Tuy nhiên, lọc máu nhân tạo chỉ là giải pháp tạm thời, và về lâu dài để duy trì sự sống phải ghép thận. Song, phương pháp này tốn kém, nguồn thận ghép và khả năng tương thích không dễ kiếm.
Viêm cầu thận
Là tình trạng các cầu thận bị viêm ở các tiểu cầu thận và các mạch máu trong thận. Viêm cầu thận có nhiều nguyên nhân, có thể do nhiễm trùng, do thuốc, hoặc do sự bất thường bẩm sinh và bệnh tự miễn.
Bệnh có biểu hiện phù, thiếu máu, tăng huyết áp, thành phần nước tiểu thay đổi. Bệnh nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy thận, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, thậm chí gây tử vong.
Bệnh thận đa nang
Bệnh thận đa nang là một loại hình tổn thương của thận khá đặc trưng, do rối loạn di truyền gây ra nhiều u nang chứa đầy dịch trong nhu mô thận, làm ảnh hưởng đến chức năng của thận. Bệnh thận đa nang có thể nang gan, những bất thường ở tim mạch và thường dẫn đến suy thận giai đoạn cuối.
Bệnh thận đa nang có nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau. Bệnh nếu được phát hiện sớm, được điều trị và điều chỉnh lối sống tích cực sẽ làm giảm các tổn thương cho thận, phòng ngừa bệnh biến chứng như tăng huyết áp, suy giảm chức năng thận.
Ngoài ra, thận đa nang còn gây ra các biến chứng nghiêm trọng khác như nguy cơ tiền sản giật đối với phụ nữ mang thai, u nang gan, phình động mạch não có thể gây chảy máu não, hở van hai lá…
Sỏi thận
Sỏi thận hay còn gọi là sạn thận, chúng được hình thành khi lượng nước tiểu và nồng độ khoáng chất ở thận tăng cao trong thời gian dài sẽ tạo thành các hạt rắn hoặc sỏi. Đối với sỏi thận có kích thước nhỏ có thể tống ra ngoài theo đường tiểu. Tuy nhiên, trường hợp sỏi có kích thước lớn có thể gây đau đớn, thậm chí làm tắc đường dẫn nước tiểu, gây hậu quả khôn lường.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Là nhiễm khuẩn do vi khuẩn ở bất cứ bộ phận nào trong hệ thống tiết niệu. Trong đó, nhiễm khuẩn ở bàng quang và niệu đạo là phổ biến nhất. Bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu có 2 mức độ, mức độ không phức tạp và mức độ phức tạp.
Nhiễm khuẩn tiết niệu không phức tạp được coi là bệnh viêm bàng quang hay viêm thận bể gặp ở phụ nữ tiền mạn kinh, phụ nữ mang thai với những triệu chứng nhẹ dễ chữa trị. Bệnh xem là phức tạp cần giải phẫu hoặc phải can thiệp y tế vào đường niệu đạo, có biến chứng ở nam giới, trẻ em, người lớn tuổi.
Thói quen tốt cho thận
Hạn chế thuốc uống
Các thuốc chống viêm không steroid (NSAID), như Aspirin, Ibuprofen, Naproxen,… có thể gây hại cho thận nếu bạn dùng chúng thường xuyên để điều trị đau mạn tính, đau đầu hoặc viêm khớp.
Một số nhóm kháng sinh như Penicillin, Sulfonamide và Cephalosporin là những loại gây nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng thận hơn.
Vì vậy, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ khi sử dụng các loại thuốc này để được tư vấn sử dụng thuốc hợp lý.
Thực phẩm chức năng từ thảo dược
Nhà sản xuất các loại thực phẩm chức năng thường chứng minh sản phẩm của họ an toàn. Tuy nhiên một số khác có thể cảnh báo về nguy cơ gây hại cho thận của bạn ngay trên nhãn sản phẩm. Những loại thực phẩm chức năng đó có thể đặc biệt nguy hiểm nếu tiền sử người dùng đã bị bệnh thận. Nguyên nhân là vì chúng có thể làm cho chức năng thận tồi tệ hơn hoặc ảnh hưởng hiệu quả của một số loại thuốc điều trị khác. Trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm thực phẩm chức năng có nguồn gốc thảo dược nào là một cách giúp thận tốt hơn.
Giảm lượng muối ăn vào
Ăn nhiều muối là một yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tăng huyết áp, gây ra các tác động tiêu cực đến thận. Bạn nên hạn chế ăn muối giúp bảo vệ chức năng thận và sức khỏe tim mạch.
Mỗi người chỉ nên tiêu thụ 6,5 đến 8g muối mỗi ngày. Nhưng hiện nay nhiều người có thể tiêu thụ tới 20g muối mỗi ngày gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe.
Một số thực phẩm giàu muối cần hạn chế: các món đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn, thịt nguội, khoai tây lát mỏng, bánh quy khai vị,…
Kiểm soát lượng đường trong máu
Những người bị bệnh tiểu đường hoặc lượng đường trong máu cao, có thể bị tổn thương thận. Khi các tế bào của cơ thể không thể sử dụng glucose trong máu, thận buộc phải làm việc nhiều hơn để thải trừ bớt glucose ra khỏi cơ thể.
Bên cạnh đó, bệnh tiểu đường cũng làm tổn thương các mạch máu ở thận, tạo điều kiện cho vi khuẩn ứ đọng và phát triển ở thận gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu kéo dài, điều này có thể gây biến chứng suy thận, nguy hiểm đến tính mạng cho người bệnh.
Việc xét nghiệm kiểm tra chức năng thận thường xuyên là điều vô cùng quan trọng đối với bệnh nhân tiểu đường nhằm phát hiện sớm, từ đó làm giảm hoặc ngăn chặn tổn thương thận do tiểu đường.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, lối sống và có thể sử dụng thuốc để điều trị theo sự kê đơn của bác sĩ.
Kiểm soát huyết áp
Huyết áp ở người bình thường: dưới 120 mmHg đối với huyết áp tâm thu và dưới 80 mmHg đối với huyết áp tâm trương.
Huyết áp cao có thể gây ra các bệnh về thận do làm tổn thương các mạch máu trong cơ thể và làm giảm lưu lượng máu đến thận, phá hủy bộ lọc ở cầu thận. Tăng huyết áp cũng là tiền đề cho các bệnh tim mạch, tiểu đường hoặc cholesterol cao.
Tăng huyết áp đi kèm đái tháo đường, rối loạn lipid máu sẽ làm tổn thương thận nặng hơn, bệnh nhân cũng dễ mắc các biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch máu não.
Có khoảng 50% bệnh nhân huyết áp cao nhưng không có triệu chứng rõ ràng, càng để lâu, nguy cơ ảnh hưởng chức năng thận càng lớn. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người trên 40 tuổi.
Duy trì trọng lượng cơ thể lý tưởng
Chỉ số BMI (viết tắt của Body Mass Index) là chỉ số khối cơ thể được tính bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương của chiều cao (mét). Chỉ số BMI giúp đánh giá được tình trạng cơ thể: gầy, cân đối, thừa cân, béo phì của một người trưởng thành.
Theo WHO, ở người Châu Á, chỉ số này được thể hiện:
- Gầy: BMI dưới 17,50.
- Bình thường: BMI từ 17,5 đến 22,99.
- Thừa cân: BMI từ 23 đến 27,99.
- Béo phì: BMI từ 28,00 trở lên.
Tình trạng béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường,… Những bệnh này đều gây biến chứng lên thận.
Nếu chỉ số BMI của bạn cao, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị về dinh dưỡng và hoạt động thể chất phù hợp với cơ thể bạn, đưa cân nặng về mức tốt nhất cho sự phát triển của cơ thể nói chung và thận nói riêng.
Bổ sung đủ nước
Nước giúp vận chuyển các chất dinh dưỡng quan trọng đến thận và các chất thải đến bàng quang dưới dạng nước tiểu. Nếu không bổ sung đủ nước, các cầu thận (một cấu trúc lọc nhỏ bên trong thận) có thể ngừng hoạt động, dẫn đến sỏi thận và nhiễm trùng. Ngay cả tình trạng mất nước nhẹ cũng có thể làm hỏng chức năng thận nếu để xảy ra thường xuyên.
Để thận khỏe mạnh thì bạn nên uống đủ nước mỗi ngày, nhưng số lượng có thể tăng thêm nếu đang bị bệnh hoặc sốt.
Hạn chế sử dụng rượu bia và ngưng hút thuốc lá
Đây là hai yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tổng thể, trong đó có thận. Nếu thường xuyên uống quá nhiều bia rượu, nồng độ cồn trong máu tăng cao, thận làm việc hết công suất mà khó có thể đào thải hết độc tố ra ngoài. Điều này có thể dẫn đến viêm thận cấp tính hoặc mạn tính. Đồng thời, uống nhiều rượu làm tăng huyết áp, một nguyên nhân phổ biến của bệnh thận.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, nên uống rượu bia ở mức cho phép, một người chỉ nên sử dụng 10g cồn nguyên chất (tương đương ¾ chai bia 330ml, hoặc 1 ly rượu vang 100ml (13,5%), một cốc rượu mạnh 30ml (40%). Bên cạnh đó, hút thuốc lá là nguyên nhân gây xơ vữa các mạch máu, máu lưu thông đến thận chậm hơn.
Đặc biệt, hút thuốc cũng tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Người hút thuốc lá không chỉ gây hại cho chính bản thân mà còn ảnh hưởng tới người xung quanh (gọi là “hút thuốc lá thụ động”). Vì vậy, muốn thận được duy trì chức năng, cần từ bỏ thói quen không tốt này để bảo vệ thận.
Kiểm tra chức năng thận
Nếu bạn ở đối tượng có nguy cơ cao bị tổn thương thận hoặc đang bị bệnh thận thì cần kiểm tra chức năng của thận thường xuyên. Những đối tượng sau cần lưu ý kiểm tra thường xuyên:
- Người trên 60 tuổi
- Người sinh ra nhẹ cân
- Người bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp hoặc đái tháo đường.
- Người có tiền sử gia đình bị tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc mắc bệnh thận mạn phải lọc máu hay ghép thận.
- Người béo phì.
- Người có dấu hiệu bất thường ở thận
Việc kiểm tra chức năng thận thường xuyên là một cách để tầm soát sức khỏe của thận, cũng biết được những thay đổi có thể xảy ra. Việc phát hiện sớm có thể giúp điều chỉnh lối sống cũng như những can thiệp y tế giúp làm chậm hoặc ngăn ngừa thận bị tổn thương trong tương lai.
Luyện tập thể dục thể thao
Tương tự chế độ ăn uống lành mạnh, việc tập thể dục vừa sức giúp ngăn ngừa các bệnh lý có thể dẫn đến tổn thương thận như đái tháo đường hoặc bệnh tim. Nhưng đừng cố gắng chuyển trạng thái từ lười vận động sang tập thể dục cường độ cao trong thời gian ngắn. Tập thể dục quá sức cũng có thể gây hại cho chức năng thận, đặc biệt khi cơ thể vẫn chưa thật sự sẵn sàng.
Cách giữ thận khỏe mạnh phù hợp nhất chính là xây dựng chế độ tập luyện vừa sức khoảng 30 đến 60 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày một tuần. Để giúp thận tốt hơn, bạn nên bắt đầu chậm rãi nếu trước đó chưa tập và kiểm tra với bác sĩ nếu xuất hiện các vấn đề về sức khỏe.
Add comment