Phù nề là hiện tượng sưng tấy do giữ nước, tình trạng này do nhiều nguyên nhân gây ra. Phù có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, tuy nhiên, vị trí bị phù thường gặp là bọng mắt, tay, cánh tay, bàn chân, mắt cá chân và chân.
Phù nề là gì?
Phù nề là tình trạng nước tích tụ trong các mô của cơ thể. Khi chất lỏng từ các mạch máu nhỏ bị rò rỉ vào các mô gần đó sẽ tích tụ lại và làm cho các mô sưng lên, gây ra hiện tượng phù. Phù có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, tuy nhiên, vị trí bị phù thường gặp là bọng mắt, tay, cánh tay, bàn chân, mắt cá chân và chân, vùng bị ảnh hưởng trở nên sưng húp và da có vẻ căng và bóng.
Các loại phù nề
- Phù ngoại biên: loại phù này thường ảnh hưởng chủ yếu đến chân, bàn chân và mắt cá chân, tuy nhiên, trong một số trường hợp, nó cũng có thể xảy ra ở cánh tay. Đây là một dấu hiệu điển hình phản ánh các vấn đề về hệ thống tuần hoàn, thận hoặc các hạch bạch huyết trong cơ thể.
- Phù bàn chân: xảy ra khi các chất lỏng dư thừa tích tụ ở chân và bàn chân. Tình trạng này thường thấy nhiều nhất ở phụ nữ mang thai hoặc người cao tuổi. Phù bàn chân có thể làm cho chân bị mất cảm giác và khiến việc di chuyển trở nên khó khăn hơn.
- Phù bạch huyết: hạch bạch huyết là các mô có vai trò vô cùng quan trọng trong việc lọc vi trùng và chất thải ra khỏi cơ thể. Khi hạch bạch huyết bị tổn thương có thể dẫn đến tình trạng sưng ở cánh tay và chân. Những tổn thương này thường là kết quả của các phương pháp điều trị ung thư, bao gồm xạ trị, hóa trị và phẫu thuật.
- Phù phổi: là tình trạng các chất lỏng tích tụ tại các túi khí bên trong phổi, gây ra triệu chứng khó thở, nhất là khi nằm xuống. Một số dấu hiệu khác của phù phổi, bao gồm tim đập nhanh, cảm thấy ngột ngạt, ho ra nước bọt hoặc máu.
- Phù não: đây là một tình trạng rất nghiệm trọng, xảy ra khi các chất lỏng tích tụ bên trong não. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến phù não, chẳng hạn như bị chấn thương ở đầu, tắc nghẽn/vỡ mạch máu, khối u ở não, hoặc một số phản ứng dị ứng khác.
- Phù hoàng điểm: xảy ra khi các mạch máu trong võng mạc bị tổn thương và làm rò rỉ các chất lỏng vào hoàng điểm của mắt- một bộ phận nằm ở trung tâm của võng mạc.
Nguyên nhân gây phù nề
Do sử dụng thuốc
Một số thuốc có thể làm xuất hiện tình trạng phù nề như:
- Thuốc điều trị tăng huyết áp.
- Thuốc chống viêm không steroid.
- Corticoid.
- Estrogen.
- Thuốc điều trị bệnh tiểu đường nhóm Thiazolidinedione – TZD.
- Thuốc dùng chữa đau dây thần kinh.
Do bệnh lý
Một số bệnh lý nguy hiểm có thể dẫn tới tình trạng phù nề như:
- Suy tim: tim phải bị suy yếu khiến máu không thể trở về tim sẽ dẫn tới phù ở chân.
- Tổn thương gan: gan bị tổn thương gây ra dịch ổ bụng và chân.
- Hội chứng thận hư: tổn thương cầu thận khiến cho chất lỏng bị tích tụ thường gây nên tình trạng phù nề ở chi dưới.
- Suy tĩnh mạch mạn tính: ảnh hưởng đến van 1 chiều đưa máu từ chi về tim gây nên tình trạng phù nề ở chân.
- Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT): tình thuyên tắc do huyết khối tĩnh mạch ở chân có thể dẫn tới phù chân đột ngột.
- Thiếu đạm: thiếu đạm trong thời gian dài có thể dẫn tới phù nề.
Các nguyên nhân khác
Một số yếu tố cũng có thể dẫn tới phù nề như:
- Có thai.
- Ngồi nhiều ở 1 tư thế.
- Bệnh mạn tính kéo dài.
- Phẫu thuật liên quan đến hạch bạch huyết.
Dấu hiệu nhận biết phù nề
Thông thường, các triệu chứng của phù nề sẽ tùy thuộc vào tình trạng sưng và khu vực bị sưng của cơ thể.
Các trường hợp bị phù ở một khu vực nhỏ do viêm (ví dụ như vết muỗi đốt) hoặc nhiễm trùng có thể không gây ra các triệu chứng cụ thể. Mặt khác, một phản ứng dị ứng lớn, chẳng hạn như bị ong đốt có thể dẫn đến phù nề trên toàn bộ cánh tay, gây ra các triệu chứng, bao gồm đau và khó cử động được cánh tay.
Bên cạnh đó, các tình trạng như dị ứng thực phẩm hoặc thuốc cũng có thể gây ra phù cổ họng hoặc lưỡi. Triệu chứng nguy hiểm nhất khi bị dị ứng là khó thở, điều này có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.
Khi bị phù chân, người bệnh sẽ có cảm giác nặng nề ở chân và gặp khó khăn khi di chuyển. Đặc biệt, chứng phù chân nghiêm trọng còn làm cản trở lưu lượng máu, dẫn đến loét da.
Đối với phù phổi có thể gây khó thở, ho và làm giảm nồng độ oxy trong máu.
Ngoài ra, có hai kiểu phù nề, gồm:
- Phù nề rỗ: một số vết lõm hoặc vết thương vẫn tồn tại trong một khoảng thời gian sau khi bạn ấn vào phần da bị phù.
- Phù nề không rỗ: các mô trở lại hình dáng ban đầu sau khi ấn vào khu vực bị phù.
Đây là các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây chứng phù nề.
Cách chẩn đoán phù nề
Dựa vào việc ấn nhẹ ngón tay vào phần bị phù nề từ 5-15 giây, bác sĩ có thể đưa ra những chẩn đoán liên quan đến mức độ như:
- Cấp 1: độ sâu 2mm, phục hồi ngay lập tức.
- Cấp 2: độ sâu 3-4mm, thời gian phục hồi dưới 15 giây.
- Cấp 3: độ sâu 5-6mm, thời gian phục hồi dưới 60 giây.
- Cấp 4: độ sâu 8mm, thời gian phục hồi từ 2-3 phút.
Phương pháp điều trị phù nề
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cơ thể bị phù nề. Do đó, người bệnh cần theo dõi, nắm bắt biểu hiện phù và đến thăm khám bác sĩ sớm nếu bị phù trong thời gian dài, hoặc phù gây khó thở, đau ngực.
Chứng phù nề tạm thời thường có thể được cải thiện bằng cách giảm lượng muối ăn vào và kê cao chân khi ngồi hoặc khi nằm.
Điều trị tại nhà
- Ăn nhiều loại thực phẩm lành mạnh trong khi tránh thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn có nhiều muối.
- Tập thể dục với mức độ vừa phải, có thể giúp ngăn ngừa sưng tấy do ít vận động.
- Tránh thuốc lá và rượu.
- Mang vớ hỗ trợ.
- Thử châm cứu hoặc xoa bóp.
Điều trị y tế
Điều trị bệnh gây phù:
- Suy tim: Thuốc lợi tiểu có thể được sử dụng cùng với các loại thuốc khác để cải thiện chức năng tim.
- Xơ gan: Loại bỏ tất cả rượu, giảm muối và dùng thuốc lợi tiểu có thể cải thiện các triệu chứng.
- Phù bạch huyết: Thuốc lợi tiểu có thể hữu ích khi mới bắt đầu. Vớ nén hoặc ống tay áo cũng có thể hữu ích.
- Hội chứng thận hư: sử dụng thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế hệ miễn dịch kết hợp theo dõi lượng dịch ra và mức độ giảm cân.
Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Add comment