Thận đa nang là một loại tổn thương của cơ quan thận, do sự hình thành của các nang chứa dịch trong nhu mô của thận gây ra nhiều biến chứng dẫn đến suy thận nghiêm trọng.
Bệnh thận đa nang
Bệnh thận đa nang là một rối loạn di truyền, trong đó các cụm u nang phát triển bên trong thận, khiến thận tăng dần kích thước và suy giảm chức năng theo thời gian.
Các khối nang có thể thay đổi và tăng về kích thước khiến cho thận bị giãn nở và mất dần chức năng theo thời gian, kết hợp cùng với nang hình thành ở một số vị trí khác chẳng hạn như gan, tụy,… dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Đa nang thận ở người lớn thường xuất phát chủ yếu từ gen trội và hay gặp nhất là các trường hợp ở độ tuổi từ 30 – 40, thận sưng to và nhiều nang ở cả hai bên, nguy cơ suy thận cao. Các trường hợp bệnh nhân nhỏ tuổi rất hiếm gặp, tuổi thiếu niên có thể khởi phát theo tính trạng lặn.
Biểu hiện bệnh thận đa nang
Những nang thận thường phát triển âm thầm và thường được phát hiện khi đã gây ra những biến chứng nguy hiểm hoặc tình cờ được nhận biết khi siêu âm bụng. Khi đã phát triển trong một thời gian, thận đa nang có thể gây ra một số biến chứng như sau:
- Thay đổi kích thước thận: Khi các nang trong thận dần to lên, chúng sẽ gây biến đổi kích thước thận, thậm chí gây biến dạng thận. Ở một số trường hợp bệnh nhân, thận có thể đạt trọng lượng từ 7 đến 8kg.
- Bệnh nhân bị đau bụng, đau hông lưng: Đây cũng là triệu chứng phổ biến khi mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân cao tuổi và các trường hợp có kích thước nang thận càng to thì cơn đau sẽ càng tăng lên. Chảy máu trong nang hay tình trạng đường tiết niệu bị tắc nghẽn có thể dẫn đến nhiễm khuẩn và gây ra biểu hiện sốt cao.
- Đau hạ sườn phải: Khi kích thước của nang thận tăng lên thì những cơn đau hạ sườn phải sẽ càng tăng dần.
- Chảy máu trong nang: Bệnh nhân mắc bệnh thận đa nang có nguy cơ cao gặp phải triệu chứng chảy máu trong nang, đái ra máu đại thể(thường xảy ra sau khi gặp chấn thương). Kích thước nang to khiến thận càng to, tỷ lệ bệnh nhân đái ra máu đại thể lại càng tăng.
Nguyên nhân gây thận đa nang
Sự hình thành và phát triển của các nang thận có thể phụ thuộc vào yếu tố gen, môi trường hoặc cả hai yếu tố đồng thời. Có ba cơ chế chính để giải thích sự hình thành của các nang thận:
- Tắc nghẽn trong lòng ống thận: Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng chất chống oxy hóa để gây ra bệnh thận đa nang. Kết quả cho thấy các tế bào trong thành ống góp của thận tăng sinh, tạo thành các polyp dọc theo ống góp. Sự tắc nghẽn của ống thận bởi các polyp này là một trong những nguyên nhân chính gây ra các triệu chứng của bệnh thận đa nang.
- Tăng sinh tế bào biểu mô ống thận: Các nang thận có thể phát triển khi số lượng tế bào biểu mô tăng mạnh ở những đoạn ống thận bị giãn tạo thành.
- Biến đổi màng nền của ống thận: Trong trường hợp bệnh thận đa nang di truyền theo gen thân trội, thành phần màng nền của ống thận có thể bị biến đổi. Sự thay đổi này có thể liên quan đến việc thiếu hụt kiểm soát hoặc hệ thống vận chuyển gen tổng hợp màng nền dẫn đến sự hình thành của các nang thận.
Những biến chứng nguy hiểm của bệnh thận đa nang
Bệnh thận đa nang gây ra nhiều biến chứng khác nhau, vì vậy việc theo dõi và đánh giá nguy cơ biến chứng của bệnh nhân là một mục tiêu quan trọng trong quá trình điều trị. Các biến chứng thường gặp nhất bao gồm:
Tăng huyết áp thứ phát
Biến chứng phổ biến nhất của bệnh thận đa nang là tăng huyết áp thứ phát. Tình trạng huyết áp không được kiểm soát tốt có thể gây ra tổn thương trực tiếp lên thận và tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, cũng như các biến chứng liên quan đến tăng huyết áp và đột quỵ.
Suy thận
Tình trạng suy giảm toàn bộ chức năng của thận liên quan đến tổn thương về số lượng và chất lượng của nephron là biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh thận đa nang. Nguy cơ mắc suy thận tăng lên đến 50% ở những bệnh nhân thận đa nang trên 60 tuổi và vượt qua con số 75% ở độ tuổi trên 70. Đặc biệt, nguy cơ này cao hơn khi bệnh nhân có biến chứng từ tăng huyết áp không kiểm soát tốt, hoặc các triệu chứng như đái máu và tiểu đạm.
Suy giảm chức năng lọc máu
Bệnh thận đa nang gây ra sự giảm dần chức năng lọc máu, từ việc loại bỏ chất gây hại đến duy trì cân bằng nước và điện giải. Khi các nang thận phát triển lớn dần, áp lực của chúng có thể ảnh hưởng đến các vùng thận còn lại. Hiện tượng sẹo hóa và tăng huyết áp có thể xảy ra đồng thời và gây ra sự cản trở đến chức năng của thận. Trong giai đoạn muộn của suy thận, bệnh nhân có thể phải chịu đựng sự đau đớn của việc chạy thận hoặc cần phải tiến hành ghép thận để duy trì sự sống.
Các biến chứng trong thai kỳ
Mặc dù thận đa nang là một căn bệnh phổ biến, đa số bệnh nhân vẫn có thể có thai và sinh nở tự nhiên. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa thận đa nang và tăng nguy cơ tiền sản giật. Sự tiền sản giật có thể đe dọa mạng sống của cả thai nhi và người mẹ. Do đó, việc kiểm soát huyết áp và các yếu tố nguy cơ trong suốt thời kỳ mang thai là cực kỳ quan trọng.
Hình thành các nang gan
Các u nang không chỉ phát triển ở thận mà còn có thể xuất hiện ở gan, đặc biệt là ở những người lớn tuổi. Dữ liệu dịch tễ học cho thấy phụ nữ có tỷ lệ mắc u nang gan cao hơn và thường có kích thước lớn hơn so với nam giới.
Phình động mạch não
Phình động mạch là hiện tượng mạch máu giãn rộng bất thường, thường là kết quả của áp lực máu cao. Trong trường hợp phình động mạch não, có thể xảy ra vỡ gây ra xuất huyết vào não. Nhóm tuổi nguy cơ của biến chứng này thường là dưới 50 tuổi. Nguy cơ cao hơn thường được ghi nhận ở nhóm bệnh nhân có tiền sử gia đình về bệnh lý phình động mạch hoặc không kiểm soát được tình trạng tăng huyết áp.
Bất thường van tim
Khoảng 25% bệnh nhân mắc bệnh thận đa nang tiến triển thành biến chứng sa van hai lá. Trong tình trạng này, van hai lá bị sa và không đóng kín, dẫn đến luồng máu trào ngược từ tâm thất lên tâm nhĩ khiến bất thường trong quá trình lưu thông máu.
Ung thư thận
Rất nhiều ca bệnh ung thư thận xảy ra ở bệnh nhân mắc thận đa nang, phổ biến nhất là ung thư tế bào thận và một số trường hợp ít gặp hơn là ung thư nhú thận.
Phòng bệnh thận đa nang
Hiện nay, chưa có phương pháp cụ thể nào để phòng tránh bệnh thận nang, tuy nhiên, để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh thì bạn nên chú ý một số vấn đề sau:
- Trong trường hợp người thân trong gia đình có bất kỳ trường hợp mắc bệnh nào thì tốt nhất nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện bệnh sớm và điều trị.
- Nếu cha mẹ bị bệnh nhưng chưa sinh con thì tốt nhất trước khi có kế hoạch mang thai, hãy nhờ chuyên gia tư vấn và có khả năng đánh giá nguy cơ di truyền nhằm bảo vệ tốt nhất sức khỏe cho cả mẹ lẫn em bé.
- Trường hợp bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh thì cần phải thực hiện theo đúng các hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt là kiểm soát tốt huyết áp để tránh nguy cơ bệnh chuyển hướng nặng hơn.
- Thay đổi các thói quen không lành mạnh như rượu, bia, thuốc lá, thức khuya,… và chế độ ăn giảm muối, uống nhiều nước, không nhịn tiểu, luyện tập thể thao để duy trì cơ thể khỏe mạnh kể cả trường hợp bạn có mắc bệnh hoặc không.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối theo những chỉ định của bác sĩ. Đồng thời duy trì chế độ ăn lành mạnh, duy trì cân nặng ổn định, loại bỏ rượu bia và thói quen hút thuốc lá.
Add comment